Đột biến gen là một trong những nguyên nhân làm cho khối u phát triển và di căn nhanh hơn. Các loại thuốc nhắm trúng đích giúp khóa những gen đột biến, ngăn chặn sự phát triển, giảm kích thước khối u và làm chậm quá trình di căn của chúng, từ đó kéo dài và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Đột biến gen EGFR (Epidermal Growth Factor Receptor – Thụ thể Yếu tố Tăng trưởng Nội mô) là đột biến ung thư phổi thông thường nhất. Việc xác định đột biến gen EGFR ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) có vai trò quyết định việc điều trị hay không điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích TKIs cho bệnh nhân.
Trước đây, xét nghiệm đột biến gen EGFR chỉ được thực hiện trên mẫu mô (sinh thiết hoặc phẫu thuật) của bệnh nhân. Nếu trong trường hợp không đủ điều kiện cho phép sinh thiết (sức khỏe bệnh nhân, kinh phí…) hoặc mẫu bệnh phẩm không đủ tiêu chuẩn xét nghiệm (lượng tế bào quá ít, mẫu sinh thiết quá nhỏ, không còn khối u trên mẫu mô…) thì không thể thực hiện được xét nghiệm. Trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm cho tỷ lệ đột biến thấp thì việc lặp lại sinh thiết hay phẫu thuật để lấy lại mẫu là gần như không thể.
Từ đầu năm 2020, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã triển khai xét nghiệm đột biến gen EGFR từ mẫu huyết tương. Điều này cho phép bệnh nhân có thêm cơ hội để làm xét nghiệm chẩn đoán, đồng thời có thể làm xét nghiệm lặp lại nhiều lần để theo dõi điều trị mà không cần can thiệp sâu như sinh thiết. Bên cạnh đó, phương pháp này khá đơn giản, dễ thực hiện, giảm được chi phí và thời gian cho bệnh nhân, và không gây ra biến chứng.
- Đột biến gen EGFR từ mẫu huyết tương được phát hiện như thế nào?
Các tế bào bình thường hoặc các tế bào bị bệnh có thể phóng thích một nguồn DNA vào máu hoặc các chất dịch khác trong cơ thể. Các DNA này được gọi là DNA tự do, viết tắt là cfDNA (cell free DNA).
DNA tự do được giải phóng từ các nguồn khác nhau, bao gồm các tế bào apoptotic (apoptotic cells) trong điều kiện khỏe mạnh; hoặc các tế bào hoại tử trong ung thư; hoặc từ DNA của thai nhi trong huyết tương của mẹ. DNA tự do chứa các biến thể di truyền tương tự với các mô bên trong.
Với các phân tử DNA tự do bắt nguồn từ tế bào khối u, một thuật ngữ khác được dùng cho nó là “circulating tumor DNA”, viết tắt là ctDNA. DNA tự do từ tế bào khối u (ctDNA) được tìm thấy trong huyết thanh và huyết tương từ máu.
Sau khi, các ctDNA được phân lập, chúng có thể được sử dụng để phân tích đột biến, qua đó xác định được các đột biến trong các bệnh ung thư nói chung và đột biến gen EGFR trong ung thư phổi nói riêng.
- Các trường hợp nào nên làm xét nghiệm đột biến gen EGFR?
Xét nghiệm đột biến gen EGFR có thể thực hiện trên mẫu mô (là khối u hoặc tổn thương di căn) được mổ hoặc sinh thiết từ cơ thể của bệnh nhân. Các mẫu bệnh phẩm sau khi được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân sẽ được gửi về phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Sau đó, chúng sẽ được xử lý, chuyển đúc trong paraffin (nến) và cắt thành những lát nhỏ, đem nhuộm màu để bác sĩ giải phẫu bệnh phân tích, xác định loại mô học của khối bướu hoặc khối di căn. Nếu kết quả mô học của khối bướu là ung thư biểu mô tuyến, sẽ được đề nghị làm xét nghiệm đột biến gen EGFR.
- Trong trường hợp, các khối u trong khối nến đủ tiêu chuẩn để xét nghiệm thì tiến hành thực hiện xét nghiệm đột biến gen EGFR trên mẫu mô này luôn.
- Trong trường hợp mẫu mô không đủ tiêu chuẩn (không còn u trong khối nến hoặc tế bào u quá ít) thì phải thực hiện xét nghiệm đột biến gen EGFR trên mẫu huyết tương. Bệnh nhân sẽ được lấy khoảng 6ml máu (khoảng 01 xilanh máu), sau đó mẫu máu sẽ được chuyển về phòng Sinh học phân tử khoa Giải phẫu bệnh. Các KTV tiến hành ly tâm để thu huyết tương, tách chiết DNA, chạy Realtime PCR. Kết quả được phân tích trên phần mềm chuyên dụng để kiểm tra xem có hay không có đột biến trên các exon 18, 19, 20 và 21 của gen EGFR.
- Xét nghiệm này cũng được thực hiện để theo dõi đáp ứng điều trị hay đánh giá khả năng xuất hiện đột biến kháng thuốc cho các bệnh nhân UTPKTB đã dùng thuốc điều trị nhắm trúng đích TKI.