Xạ trị là gì?
Xạ trị hay còn gọi là liệu pháp bức xạ, là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay.
Bằng cách sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao, xạ trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, thu nhỏ khối u hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng.
Phương pháp này thường được áp dụng độc lập hoặc kết hợp với các liệu pháp khác như phẫu thuật, hóa trị để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.
Nguyên lý hoạt động của xạ trị?
Xạ trị hoạt động dựa trên nguyên lý sử dụng các tia bức xạ ion hóa (như tia X, tia gamma hoặc chùm proton) để phá hủy DNA của tế bào ung thư.
Khi DNA bị tổn thương, tế bào ung thư mất khả năng phân chia và phát triển, dẫn đến chết tế bào. Các tế bào bình thường cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng chúng có khả năng tự phục hồi tốt hơn so với tế bào ung thư.
Quy trình xạ trị được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Tư vấn bởi bác sỹ
Trước khi xạ trị, bệnh nhân sẽ được bác sĩ xạ trị thăm khám và giải thích quy trình. Dựa trên giai đoạn bệnh, vị trí khối u và thể trạng của người bệnh bác sĩ sẽ thảo luận về việc có nên xạ trị hay không, lộ trình xạ trị như thế nào, có những lưu ý gì, lợi ích và tác dụng phụ của tia xạ ra sao.
- Bước 2: Tiến hành chụp CT mô phỏng
Chụp CT-mô phỏng là quét phần cơ thể bệnh nhân sẽ được xạ trị. Tư thế của bệnh nhân chụp CT mô phỏng trùng lặp với tư thế của bệnh nhân trong quá trình xạ trị.
Mục đích của chụp CT mô phỏng là cung cấp hình ảnh ba chiều của bệnh nhân từ đó giúp lập kế hoạch điều trị. Công nghệ mô phỏng 3D giúp đảm bảo độ chính xác cao, giảm thiểu tác động đến các mô lành xung quanh.
- Bước 3: Lập kế hoạch xạ trị
Bác sĩ xạ trị sẽ tiến hành thiết lập các thể tích vùng chiếu xạ, đồng thời bảo vệ các vùng cơ quan lành dựa trên phim chụp CT mô phỏng của bệnh nhân. Kỹ sư vật lý sẽ tính toán liều theo chỉ định của bác sĩ.
Có thể mất tới vài ngày để kế hoạch được hoàn thành. Đây là điều hoàn toàn bình thường, vì đó là thời gian để bác sỹ xạ trị và kỹ sư y vật lý tính toán liều lượng, thiết lập trường chiếu, kiểm tra và chỉnh sửa kế hoạch sao cho tối ưu nhất, đảm bảo chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
- Bước 4: Định vị và đánh dấu vùng xạ trị
Bệnh nhân sẽ được định vị trên máy xạ trị bằng các thiết bị hỗ trợ như khung cố định hoặc mặt nạ. Các vị trí chiếu xạ sẽ được đánh dấu trên cơ thể để đảm bảo tính chính xác trong suốt quá trình điều trị.
- Bước 5: Thực hiện xạ trị
Quá trình xạ trị thường diễn ra trong khoảng 5-10 phút mỗi lần và không gây đau đớn. Bệnh nhân nằm yên trên bàn điều trị trong khi máy xạ trị phát các tia bức xạ vào vùng mục tiêu. Tùy vào loại ung thư và giai đoạn bệnh, tổng số lần xạ trị có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
- Bước 6: Theo dõi và chăm sóc sau xạ trị
Sau mỗi đợt xạ trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao để đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm các tác dụng phụ (nếu có).
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm mệt mỏi, kích ứng da hoặc khó chịu tại vùng chiếu xạ bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ để giảm nhẹ triệu chứng.
Với sự phát triển của công nghệ, xạ trị ngày càng trở nên chính xác và an toàn hơn. Nếu bạn hoặc người thân đang cân nhắc phương pháp này hãy trao đổi kỹ với bác sỹ xạ trị để có quyết định phù hợp nhất.
Tác giả: BS Lê Thị Thùy Trang – Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An