Vì sự sống – Hãy rửa tay!

Trong suốt thế kỷ thứ XIX, ở Châu Âu và Mỹ, 25% bà mẹ sinh con tại bệnh viện đã tử vong do sốt hậu sản. Nguyên nhân là do vi khuẩn Streptococcus pyogenes.

Năm 1843, bác sĩ Oliver Wendell Holmes (Mỹ) yêu cầu một bác sĩ của khoa sản nghỉ việc 1 tháng, sau 2 trường hợp bà mẹ tử vong mà ông cho rằng liên quan đến vệ sinh bàn tay của bác sĩ đó. Ý kiến của ông đã bị nhiều bác sĩ cùng thời phản đối.

Năm 1846, Bác sĩ Ignaz Semmeiweis công tác tại Bệnh viện Đa khoa Viên (Áo) nghiên cứu và thấy rằng, tại 2 khoa sản của bệnh viện, cùng thực hành một kỹ thuật rửa tay. Khoa thứ nhất là khoa thực hành của sinh viên Y khoa, nơi mà chỉ có bác sĩ là sinh viên Y khoa làm việc, có tỷ lệ sốt hậu sản là 13,1%. Tỷ lệ này cao gấp 5 lần so với khoa thứ 2 là khoa hướng dẫn thực hành cho nữ hộ sinh, có tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ sau sinh là 2,03%. Ông quan sát và thấy rằng, các bác sĩ và sinh viên y khoa thường không rửa tay sau thăm khám bệnh nhân này và chuyển sang thăm khám bệnh nhân kia hoặc thậm chí sau khi mổ tử thi bệnh nhân. Ông cho rằng, nguyên nhân của sốt hậu sản là do bàn tay chứa tác nhân gây bệnh, khi không rửa tay của bác sĩ và sinh viên y khoa. Ông đã đề xuất sử dụng dung dịch nước vôi trong (chứa chlorine) để rửa tay vào thời điểm chuyển tiếp sau mổ tử thi sang thăm khám bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong của các bà mẹ sau đó đã giảm từ 12,24 % xuống 2,38%. 

Năm 2007, dựa vào các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên Thế gới, Tổ chức y tế Thế giới đã đưa ra những khuyến cáo: Rửa tay là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và cũng hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn, do đó cần tăng cường sự tuân thủ rửa tay; Sát khuẩn tay bằng dung dịch chứa cồn là phương pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Năm 2008, Liên hợp quốc đã chọn ngày 15 tháng 10 hàng năm là ngày “Thế giới rửa tay với xà phòng”. Đến năm 2009, Tổ chức y tế Thế giới – WHO đã lấy ngày 5 tháng 5 hàng năm là ngày “Rửa tay toàn cầu” -World Hand Hygiene Day – phát động chiến dịch “BẢO VỆ SỰ SỐNG: HÃY VỆ SINH TAY”, nhằm kêu gọi các cơ sở y tế tham gia hưởng ứng chiến dịch. Việt Nam là nước thứ 79 đã đăng ký tham gia hưởng ứng “Vệ sinh tay toàn cầu” thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương kể từ khi phát động đến nay. 

Hiện nay, uớc tính hàng năm có khoảng 5 triệu người mắc nhiễm khuẩn bệnh viện ở châu Âu, làm kéo dài thêm khoảng 25 triệu ngày nằm viện, tiêu tốn 13-24 tỷ Euro và gây ra 135.000 trường hợp tử vong. Còn ở Hoa Kỳ, mỗi năm ước tính có hơn 1,7 triệu NB bị ảnh hưởng, tiêu tốn gần 7 tỷ USD và gây ra 99.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, điều tra năm 2005 tại 19 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm 5,7% trong đó nhiễm khuẩn viêm phổi bệnh viện đứng hàng đầu (55,4%), tiếp đến nhiễm khuẩn vết mổ (13,6%), nhiễm khuẩn tiết niệu (9,7%), nhiễm khuẩn tiêu hóa (7,9%), nhiễm khuẩn da, mô mềm (5,9%)… 

Nhiều nghiên cứu tại những khu vực lâm sàng khác nhau nhằm đánh giá hiệu quả phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện của thực hành vệ sinh tay thường quy đã cho thấy, tỷ lệ này giảm khi có cải thiện tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay ở nhân viên y tế. Nhìn chung, thực hiện tốt vệ sinh tay làm giảm 30% – 50% nhiễm khuẩn bệnh viện.

Theo nhiều nghiên cứu đã công bố cho thấy, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay tại các nước phát triển thường ở mức 40,5%. Ở nước ta, một khảo sát tại 10 bệnh viện năm 2005 cho thấy tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay ở nhân viên y tế là 13,4% Trong những năm gần đây, tỉ lệ này đã có sự cải thiện đáng kể, dao động từ 30% đến 40%.

Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, tình hình tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế đã có sự cải thiện đáng kể qua các năm, từ khoảng 13% năm 2013 đến năm 2020 đạt khoảng 56.9%.

Tóm lại, rửa tay là biện pháp đơn giản, hiệu quả và chi phí thấp trong khi tác dụng phòng bệnh rất cao. Do vậy, mỗi nhân viên y tế cần tuân thủ rửa tay thường quy theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới với 5 thời điểm như sau:

  1. Trước khi tiếp xúc với người bệnh;
  2. Trước khi thực hiện các thủ thuật vô khuẩn;
  3. Sau khi tiếp xúc, phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể;
  4. Sau khi tiếp xúc với người bệnh;
  5. Sau khi tiếp xúc, đụng chạm với vật dụng, bề mặt xung quanh người bệnh.

Tác giả: Trần Thịnh

Khoa Kiễm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

Tin tức liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *