VÌ SỰ SỐNG – HÃY RỬA TAY

Hưởng ứng ngày vệ sinh tay thế giới 05/05/2024

Mỗi năm, vào ngày 05/05 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động chiến dịch thường niên “Save lives: Clean your hands” (Vì sự sống – Hãy rửa tay) nhằm duy trì tầm nhìn toàn cầu về tầm quan trọng của vệ sinh tay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tập hợp mọi người lại với nhau để hỗ trợ cải thiện vệ sinh tay trên toàn thế giới.

Việc truyền đạt kiến thức một cách có hiệu quả sẽ dẫn đến việc cải thiện việc tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế. Đó là lý do vì sao Ngày Vệ sinh tay thế giới năm 2024  tập trung vào chủ đề “Nâng cao kiến thức và năng lực về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng thông qua đào tạo và đối mới giáo dục cho nhân viên y tế, bao gồm cả vệ sinh tay”. Khẩu hiệu của chiến dịch năm nay là “Tại sao việc chia sẻ kiến thức về vệ sinh tay vẫn quan trọng đến vậy? Bởi vì nó giúp ngăn chặn sự lây lan của vi trùng có hại trong chăm sóc sức khỏe”

Ảnh: Khẩu hiệu ngày Vệ sinh tay thế giới 05/05/2024 (Nguồn: Who.int)

Trong môi trường bệnh viện, mọi nơi bàn tay đụng chạm đều có thể chứa vi khuẩn trên đó. Các tác nhân gây ra nhiễm khuẩn không chỉ có ở trên vết thương, ở chất thải và dịch cơ thể của người bệnh mà thường xuyên có mặt trên da lành của bệnh nhân. Mỗi cm2 da bàn tay nhân viên y tế có thể chứa đến hàng triệu vi khuẩn và có thể chia thành 2 nhóm là vi khuẩn định cư và vi khuẩn vãng lai, trong đó phổ vi khuẩn vãng lai là thủ phạm chính gây ra các nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khỏe (Healthcare Associated Infection – HAI), tuy nhiên phổ vi khuẩn này có thể loại bỏ dễ dàng bằng vệ sinh tay thường quy.

Ảnh: Vi sinh vật có trên tay nhân viên y tế (Nguồn: Internet)

Nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc sức khoẻ đang là vấn đề y tế toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện và tăng chi phí điều trị. Trong đó, bàn tay là phương tiện quan trọng làm lan truyền nhiễm khuẩn bệnh viện với khoảng 136 triệu trường hợp nhiễm khuẩn đa kháng kháng sinh liên quan đến chăm sóc sức khoẻ xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ với việc vệ sinh tay đúng cách có thể ngăn ngừa tới 50% nhiễm trùng bệnh viện có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bằng chứng sẵn có cho thấy rằng việc tuân thủ các khuyến nghị về vệ sinh tay vẫn ở mức dưới mức tối ưu trên toàn thế giới, ngay cả ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay hiếm khi vượt quá 70%.

Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế ngày càng cao và đã có sự cải thiện đáng kể qua các năm. Từ khoảng 13% khi khảo sát lần đầu vào năm 2013 đến nay tỷ lệ này đã xấp xỉ khoảng 60%.  Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là điều mà chúng ta mong đợi. Là nhân viên y tế, chúng ta có quyền bảo vệ bản thân và bệnh nhân bằng cách luôn thực hành vệ sinh tay đúng cách. Tất cả chúng ta đều có thể góp phần mang lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân và môi trường chăm sóc sức khỏe an toàn hơn bằng cách đảm bảo chúng ta không bỏ lỡ một khoảnh khắc vệ sinh tay nào.

Trong bối cảnh, đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra, khi loài người đang sống trong thời đại công nghệ số với những tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển theo từng ngày. Hàng trăm loại văcxin được điều chế, hàng nghìn phác đồ điều trị những căn bệnh nan y được ra đời, nhưng khi dịch bệnh lan nhanh, phương pháp được cho là tốt nhất mà tất cả các quốc gia kêu gọi người dân áp dụng lại đơn giản là “vệ sinh tay sạch sẽ, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với mọi người”. Khi một đại dịch mới bùng phát, vệ sinh tay có lẽ là điều tất cả chúng ta có thể làm.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng Vệ sinh tay và sự sạch sẽ mang lại lòng tự trọng và là một biểu hiện của sự tôn trọng với những người đang cần đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Rửa tay với xà phòng giúp cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ loại văcxin nào. Do vậy, mỗi nhân viên y tế cần tuân thủ rửa tay thường quy theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới với 5 thời điểm như sau:

  1. Trước khi tiếp xúc với người bệnh;
  2. Trước khi thực hiện các thủ thuật vô khuẩn;
  3. Sau khi tiếp xúc, phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể;
  4. Sau khi tiếp xúc với người bệnh;
  5. Sau khi tiếp xúc, đụng chạm với vật dụng, bề mặt xung quanh người bệnh.

Ảnh: Các thời điểm vệ sinh tay (Nguồn: Bộ Y tế)

Thực hiện chiến lược cải thiện vệ sinh tay đa phương thức theo chương trình khuyến cáo của WHO là cách hiệu quả nhất để cải thiện thực hành vệ sinh tay và góp phần đảm bảo công tác phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng được áp dụng trong chăm sóc sức khỏe cơ sở. WHO cũng khuyến khích mối quan hệ hợp tác giữa bệnh nhân, gia đình họ và nhân viên y tế để thúc đẩy vệ sinh tay một cách có hiệu quả.

Ảnh: Tăng cường hiệu quả công tác vệ sinh tay với sự tham gia của người bệnh (Nguồn: Bệnh viện Ung bướu Nghệ An)

WHO kêu gọi tất cả các nhân viên y tế tham gia hưởng ứng Ngày vệ sinh tay thế giới năm 2024 bằng cách chia sẻ kiến thức về lý do tại sao vệ sinh tay vẫn quan trọng – bởi vì nó giúp ngăn chặn sự lây lan vi trùng có hại trong chăm sóc sức khỏe. Hãy tham gia có trách nhiệm để giúp hình thành một môi trường hôm nay và trong tương lai, trong đó vệ sinh tay và phòng ngừa nhiễm trùng là những thành phần thiết yếu.

Cán bộ nhân viên Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tham gia hưởng ứng Ngày vệ sinh tay thế giới 2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *