Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất trên thế giới. Trước đây, điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm chủ yếu dựa vào phẫu thuật và hóa trị bổ trợ. Tuy nhiên, sự phát triển của liệu pháp miễn dịch đã mở ra một bước tiến mới, giúp cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh nhân
1. Liệu pháp miễn dịch là gì?
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp dùng hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại ung thư. Liệu pháp miễn dịch giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Một trong những nhóm thuốc quan trọng trong liệu pháp này là kháng thể đơn dòng ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, như PD-1/PD-L1 inhibitors (Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolizumab, Durvalumab…).
Hệ miễn dịch có vai trò quan trọng trong cơ thể con người, giúp chống lại các tác nhân gây hại như vi khuẩn, ký sinh trùng, virus và cả tế bào ung thư. Tuy nhiên, tế bào ung thư có khả năng né tránh hệ thống miễn dịch trong cơ thể bằng nhiều cơ chế khác nhau, khiến chúng khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn. Khi hệ miễn dịch suy yếu, tế bào ung thư càng dễ “trốn thoát”và phát triển mạnh.
Ảnh minh họa các giai đoạn của ung thư phổi
2. Vai trò của liệu pháp miễn dịch trong ung thư phổi giai đoạn sớm
Hiện nay, liệu pháp miễn dịch đã được ứng dụng trong cả giai đoạn trước và sau phẫu thuật nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
2.1 Điều trị tân bổ trợ (trước phẫu thuật)
Liệu pháp miễn dịch, đặc biệt là các thuốc ức chế PD-1/PD-L1 (như Nivolumab, Pembrolizumab, Atezolizumab), đã cho thấy nhiều lợi ích khi kết hợp với hóa trị trong điều trị tân bổ trợ.
– Tăng tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn (CR- Complete Response): Nghiên cứu như CheckMate 816 cho thấy liệu pháp miễn dịch kết hợp hóa trị giúp tăng đáng kể tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn so với hóa trị đơn thuần (24% so với 2%). Điều này đồng nghĩa với việc sau phẫu thuật, nhiều bệnh nhân không còn tế bào ung thư trong mô bệnh học.
– Giảm kích thước khối u, tăng khả năng phẫu thuật triệt để: Những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn II–III ban đầu, là thách thức trong phẫu thuật triệt căn. Liệu pháp miễn dịch có thể làm giảm kích thước khối u, làm từ đó có thể phẫu thuật cho bệnh nhân.
– Cải thiện thời gian sống sống toàn bộ (OS – Overall Survival): Nghiên cứu CheckMate 816 cho thấy liệu pháp miễn dịch tân bổ trợ giúp giảm 37% nguy cơ tái phát hoặc tử vong so với hóa trị đơn thuần.
2.2 Điều trị bổ trợ (sau phẫu thuật)
Giúp hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại : Khác với hóa trị, liệu pháp miễn dịch kích hoạt hệ thống miễn dịch để tấn công ung thư lâu dài, giảm nguy cơ di căn xa.
– Nghiên cứu IMpower010 cho thấy Atezolizumab bổ trợ giúp giảm 34% nguy cơ tái phát hoặc tử vong ở bệnh nhân có PD-L1 ≥ 1%.
– Nghiên cứu KEYNOTE-091 cho thấy Pembrolizumab giúp cải thiện sống không bệnh (DFS) đáng kể, kể cả ở bệnh nhân có PD-L1 âm tính.
2.3 Điều trị củng cố sau hóa xạ trị ở bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn III không thể phẫu thuật
– Giảm nguy cơ bệnh tiến triển hoặc tái phát: Nghiên cứu PACIFIC cho thấy Durvalumab giảm 31% nguy cơ bệnh tiến triển hoặc tử vong so với nhóm không dùng củng cố sau hóa xạ trị.
– Kéo dài thời gian sống đáng kể: Thời gian sống toàn bộ trung bình được cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 42,9% ở nhóm dùng Durvalumab, so với 33,4% ở nhóm không dùng.
– Cải thiện thời gian sống không bệnh tiến triển (PFS – Progression-Free Survival): Durvalumab giúp kéo dài thời gian sống không bệnh tiến triển từ 5,6 tháng lên 16,8 tháng, một bước đột phá lớn trong điều trị ung thư phổi giai đoạn III
3. Các loại thuốc miễn dịch phổ biến hiện nay.
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt nhiều loại thuốc miễn dịch (Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab hoặc Nivolumab) có cơ chế kháng PD-1, PD-L1 hoặc CTLA4 để điều trị các loại ung thư khác nhau, đặc biệt những chỉ định về ung thư phổi trong bài đã trình bày.
Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt cho các thuốc Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab được lưu hành và chỉ định điều trị bệnh ung thư phổi. Tuỳ thuộc thể mô bệnh học, giai đoạn bệnh và chỉ số bộc lộ PD-L1 mà sẽ có chỉ định điều trị khác nhau. Các thuốc này đều đang được sử dụng tại bệnh viện Ung Bướu Nghệ An theo chỉ định phù hợp.
4. Kết luận
Liệu pháp miễn dịch đang thay đổi cách tiếp cận điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm, mang lại hy vọng kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Việc cá nhân hóa điều trị, kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật và hóa xạ trị sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị.
Bs. Lê Văn Thành – Khoa Nội 2- Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.