Tác Giả: | BS. Nguyễn Thị Thúy Mỵ |
Hiệu đính: | 1. ThS.BS. Nguyễn Viết Bình |
2. BSCKII. Nguyễn Khánh Toàn |
1. Dịch tễ học ung thư phổi
Ung thư phổi là một bệnh lý ác tính và nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc ung thư phổi khá cao, chiếm khoảng 11,4% trong các loại ung thư và 18,0% tử vong nói chung. Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong hàng năm nhiều thứ hai, chỉ sau ung thư gan và có xu hướng ngày càng tăng.
Mỗi năm có khoảng 1,8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới do ung thư phổi
2. Nguyên nhân gây ung thư phổi
Hút thuốc lá được coi là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Người ta ước tính rằng có 85% – 90% trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc. Tuy nhiên, chỉ có 10% – 15% người hút thuốc bị ung thư phổi và 10% – 25% những người bị ung thư phổi không phải do hút thuốc, tỷ lệ này còn cao hơn ở các nước Châu Á. Hút thuốc lá thụ động được đặt ra trong trường hợp này, tuy nhiên cũng chỉ chiếm 16% – 24% các trường hợp ung thư phổi ở người không hút thuốc.
Ung thư phổi ở những người không hút thuốc thường được chẩn đoán ở phụ nữ, trẻ tuổi, có xu hướng đáp ứng điều trị và tiên lượng tốt hơn do có sự xuất hiện các đột biến gen có thể điều trị bằng thuốc ức chế tyrosine kinase.
Hút thuốc lá (chủ động và thụ động) được coi là nguyên nhân chính gây ung thư phổi
3. Ung thư phổi có di truyền không?
Đây là câu hỏi của nhiều gia đình bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi. Việc có hay không có các gen đột biến có liên quan đến ung thư phổi di truyền hay không? Các nghiên cứu đã được tiến hành để làm rõ vai trò của các gen đột biến và khả năng di truyền của nó.
Tế bào ung thư là những tế bào đột biến, phát triển không chịu sự kiểm soát của cơ thể. Phần lớn các đột biến này xuất hiện sau khi sinh, trong quá trình tương tác với môi trường sống và chúng không di truyền được. Một số đột biến khác có từ ngay khi mới sinh (do đột biến tế bào mầm – tế bào phân chia và hình thành nên toàn bộ cơ thể) và đột biến này thì di truyền được.
Nếu gia đình có bố mẹ, anh chị em mắc ung thư phổi thì nguy cơ mắc ung thư phổi sẽ tăng lên 2-3 lần so với những người không có tiền sử này. Một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 8% các trường hợp ung thư phổi là do di truyền hoặc có khuynh hướng di truyền. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét điều này trong một bối cảnh rộng hơn, nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc ung thư đó có thể là do cùng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc (hút chủ động hoặc bị động), môi trường sống chung ô nhiễm hóa học, phóng xạ,… Đây cũng chính là những khó khăn khi xác định có phải là ung thư phổi gia đình hay ung thư phổi di truyền không.
Một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 8% các trường hợp ung thư phổi là do di truyền hoặc có khuynh hướng di truyền
4. Một số gen có liên quan đến ung thư phổi và di truyền
– Gen EGFR: Đột biến gen EGFR T790M ở tế bào dòng mầm làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi đặc biệt ở người không hút thuốc, ước tính khoảng 31%.
– Gen TP53: Hội chứng Li-Fraumeni là hội chứng di truyền hiếm gặp liên quan đến đột biến dòng mầm của TP53. Các khối u liên quan đến hội chứng này bao gồm ung thư vú, sarcoma mô mềm, sarcoma xương, u não và ung thư biểu mô vỏ thượng thận. Ung thư phổi xảy ra ở 2,3% – 6,8% bệnh nhân mắc hội chứng này, thường là nam giới, với độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán là 48 tuổi. Trong một số báo cáo, đột biến EGFR đã được phát hiện ở những bệnh nhân mắc hội chứng Li-Fraumeni bị ung thư phổi; việc mất chức năng p53 có thể giải phóng trình tự khởi động của gen EGFR và làm cho gen này dễ bị đột biến hơn.
– Gen BRCA: Đột biến gen BRCA ở tế bào dòng mầm thường được nhắc tới trong ung thư vú và buồng trứng di truyền. Tuy nhiên, những người mang đột biến gen này cũng có nguy cơ mắc một số loại ung thư khác như phổi, thận, gan và thanh quản.
– Gen HER2: là một gen gây ung thư trong họ EGFR. Nó biểu hiện quá mức ở bệnh nhân ung thư vú với tần suất 15% – 20%. Tuy nhiên, trong ung thư phổi, đột biến soma của HER2 là rất hiếm. Những đột biến như vậy được tìm thấy trong 1,6% – 2,5% các trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ. Chúng thường gặp ở nữ giới, Châu Á, không hút thuốc, ung thư biểu mô tuyến và có liên quan đến đáp ứng điều trị kém.
– Một số gen khác: YAP1, CHECK2… Các đột biến gen này ở tế bào dòng mầm cũng có liên quan tới việc hình thành ung thư phổi.
5. Vậy trường hợp nào sẽ nghĩ nhiều đến ung thư di truyền (ung thư gia đình)?
Với những đặc điểm như sau có thể gợi ý đến ung thư di truyền:
Nhiều thành viên cùng mắc một loại ung thư (nhất là những bệnh ung thư ít gặp).
Ung thư ở độ tuổi trẻ hơn bình thường (như ung thư ruột kết ở tuổi 20).
Một người mắc nhiều hơn 1 loại ung thư (ví dụ như một phụ nữ cùng bị ung thư vú và ung thư buồng trứng).
Ung thư ở cả hai cặp cơ quan (như cả hai mắt, cả thận hoặc cả hai vú).
Ung thư ở nhiều thế hệ (như ở ông, cha và con trai).
6. Kết luận
Hiện nay xét nghiệm di truyền đối với ung thư phổi còn nhiều thách thức, không có hướng dẫn xét nghiệm di truyền nào được thiết lập chỉ dựa trên tiền sử gia đình có người mắc ung thư phổi trừ khi những trường hợp này đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một hội chứng di truyền đã biết. Chụp CT liều thấp vẫn là phương pháp tối ưu hiện nay để phát hiện ung thư phổi.
Vì phần lớn các đột biến gen gây ung thư phát sinh trong quá trình sống của mỗi người và không di truyền cho thế hệ sau nên dù trường hợp của bạn có người thân đã mắc ung thư phổi thì nguy cơ của bạn mắc ung thư phổi di truyền vẫn rất thấp. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cung cấp thông tin này cho bác sĩ để có những tư vấn phù hợp nhất trong việc sàng lọc.
Tài liệu tham khảo:
- de Alencar VTL, Formiga MN, de Lima VCC. Inherited lung cancer: a review. Ecancermedicalscience. 2020 Jan 29;14:1008. doi: 10.3332/ecancer.2020.1008. PMID: 32104210; PMCID: PMC7039693.
- https://www.cancer.org/cancer/risk-prevention/genetics/family-cancer-syndromes.html.
*Chương trình được tài trợ bởi AstraZeneca vì mục đích giáo dục y khoa