I.ĐẠI CƯƠNG
Ung thư bàng quang là một trong các bệnh ung thư thường gặp ở đường tiết niệu. Nó là sự tăng trưởng bất thường và không kiểm soát được sự nhân lên của các tế bào trong lớp niêm mạc của bàng quang. Theo GLOBOCAN 2018, ở Việt Nam ung thư bàng quang gặp1.502 ca mới mỗi năm, đứng thứ 2 trong ung thư đường tiết niệu chỉ sau ung thư tiền liệt tuyến.
II. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân chưa xác định nhưng có 1 số yếu tố có nguy cơ gây ung thư bàng quang:
+ Tuổi: ung thư bàng quang xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở tuổi trên 40.
+ Giới tính: Nam nhiều hơn nữ
+ Hút thuốc lá.
+ Tiếp xúc với hóa chất tại nơi làm việc.
+ Chế độ dinh dưỡng giàu chất béo: ăn nhiều thịt chiên và chất béo động vật, uống không đủ nước mỗi ngày,…
+ Tác dụng phụ của thuốc điều trị: Bệnh tiểu đường,…
+ Viêm bàng quang mạn tính.
+ Nhiễm ký sinh trùng.
+ Di truyền học và lịch sử gia đình: khuyết tật trong gen võng mạc nang (RB1), bệnh Cowden và hội chứng Lynch.
III. CHẨN ĐOÁN
1.Chẩn đoán xác định
1.1. Lâm sàng:
– Đái máu, đái nhiều lần, đái khó.
– Đái buốt, có dấu hiệu tắc nghẽn đường tiết niệu.
– Đau ở phần lưng dưới quanh thận (đau bên sườn): giai đoạn muộn
– Toàn thân: Sốt, sụt cân, thiếu máu,…
1.2. Cận lâm sàng:
+ Nội soi bàng quang: cho hình ảnh trực tiếp khối u sùi loét chảy máu…Nội soi giúp sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học là tiêu chẩn để chẩn đoán xác định.
+ Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, CLVT, MRI giúp xác định khối u , vị trí, kích thước, đánh giá tình trạng tổ chức u thâm nhiêm xung quanh, hạch, di căn tiểu khung ổ bụng.
+ Các chất chỉ điểm khối u: CEA, CA19-9,… có giá trị đánh giá đáp ứng điều trị, phát hiện bệnh tái phát và di căn xa.
+ Các xét nghiệm CLS khác: xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp UIV, SPECT xương, SPECT thận, PET/ CT để bổ trợ chẩn đoán và đánh giá điều trị.
1.3. Các giai đoạn của ung thư bàng quang là:
Giai đoạn I. Ung thư ở giai đoạn này xảy ra trong lớp lót bên trong của bàng quang, nhưng không xâm lấn cơ thành bàng quang.
Giai đoạn II. Ở giai đoạn này, ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn trong bàng quang.
Giai đoạn III. Các tế bào ung thư đã lan qua thành bàng quang để tới mô xung quanh. Nó cũng có thể đã lây lan đến tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung hoặc âm đạo ở phụ nữ.
Giai đoạn IV. Giai đoạn này, tế bào ung thư có thể đã lây lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác như phổi, xương hoặc gan.
1.4. Chẩn đoán phân biệt
– Viêm bàng quang
– U nhú bàng quang
– U cơ bàng quang
– Lao bàng quang
IV. ĐIỀU TRỊ
Ung thư bàng quang có thể dễ dàng chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Việc điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
- Phẫu thuật:
Đây là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang phổ biến. Loại phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và cấp độ của khối u: cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo; cắt bỏ bàng quang bán phần ; cắt bỏ bàng quang triệt để; cắt bỏ toàn bộ bàng quang, các hạch lân cận, một phần niệu đạo và các cơ quan lân cận có thể chứa các tế bào ung thư.
Ở nam giới, các cơ quan lân cận được cắt bỏ là tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần ống dẫn tinh. Ở phụ nữ, tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo được cắt bỏ.
Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là bệnh viện chuyên khoa hằng đầu của tỉnh và bắc trung bộ, với trang thiết bị hiện đại và các nhân viên y tế có chuyên môn trình độ cao. Hiện nay bệnh viện đã triển khai thường quy các kỹ thuật về phẫu thuật chuyên sâu về lồng ngực: phẫu thuật nội soi cắt u trung thất , phẫu thuật nội soi cắt thực quản, phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi + vét hạch… Về bệnh lý ổ bụng thì phẫu thuật nội soi cắt thận, phẫu thuật nội soi cắt dạ dày, phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng,… Về bệnh lý tiết niệu có nội soi cắt đốt u tiền liêt tuyến, … và đặc biệt đang áp dụng kỹ thuật cắt đốt nội soi để điều trị cho u bàng quang. Bệnh nhân sau khi vào viện được khám, làm các xét nghiệm và nếu có chẩn đoán u bàng quang sẽ được lên lịch mổ theo kế hoạch. Đáng chú ý, bệnh nhân sẽ được trừ đau bằng gây tê tủy sống nên vẫn tỉnh táo, có thể theo dõi được cuộc mổ qua màn hình nội soi, sau mổ cũng sẽ giảm đau cho bệnh nhân tốt. Gây tê tủy sống là phương pháp trừ đau ít ảnh hưởng đến sức khỏe cho bệnh nhân hơn so với gây mê.
Sau khi được gây tê tủy sống bệnh nhân được đặt nằm tư thế sản khoa, bác sĩ phẫu thuật dùng bộ dụng cụ cắt đốt nội soi để cắt u và đốt cầm máu. Sau mổ ngày thứ hai, bệnh nhân được rút sonde tiểu, có thể đứng dậy và đi lại, ăn cháo và cho uống nhiều nước. Bệnh nhân có thể được ra viện sau khi có kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh khối u, thông thường khoảng ngày thứ 4 sau mổ.
- Hóa trị:
Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc.
Ung thư bàng quang hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, do đó bệnh nhân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát ung thư bàng quang và điều trị kịp thời.
- Xạ trị:
Một số bệnh nhân có thể được xạ trị trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u và ngược lại bệnh nhân có thể được chiếu xạ sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại. Với bệnh nhân ung thư bàng quang không thể thực hiện phẫu thuật thì sẽ tia xạ theo hai cách để: Chiếu xạ ngoài và chiếu xạ trong.
V. TIÊN LƯỢNG
Bệnh hay tái phát. Tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm.
Để phòng tái phát khối u sau khi xuất hiện khám định kỳ 3 tháng 1 lần trong 5 năm đầu. Sau đó 1 năm 1 lần trong các năm tiếp theo.
VI . PHÒNG BỆNH
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư, sinh hoạt điều độ, không hút thuốc,…