U tuyến nước bọt mang tai

U tuyến nước bọt là bệnh lý khá phổ biến, chiếm khoảng 6% các khối u vùng đầu mặt cổ. Phần lớn u tuyến nước bọt (65-80%) có nguồn gốc từ tuyến nước bọt mang tai (TNBMT). Trong đó tổn thương u TNBMT lành tính chiếm đa số với tỷ lệ khoảng 75%, còn lại là ác tính .

U tuyến nước bọt có thể gặp ở cả nam và nữ, nhưng thường gặp ở nữ giới nhiều hơn. Bệnh hay gặp ở độ tuổi 60 – 70 và tuổi trung bình của bệnh nhân có u lành tính và u ác tính lần lượt là 46 và 47.

  1. Nguyên nhân gây bệnh

Virus: một số loại virus có vai trò trong bệnh sinh u tuyến nước bọt như EBV (Epstein Barr Virus), . SV40 (Simian virus 40)

Bức xạ: có những bằng chứng thuyết phục chứng minh mối liên quan giữa phơi nhiễm với bức xạ ion hóa và phát sinh u tuyến nước bọt.

Phơi nhiễm nghề nghiệp: công nhân ở một số ngành công nghiệp có tăng nguy cơ mắc bệnh như: Chế biến cao su, công nghiệp thăm dò, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất xe hơi, nhân viên tiệm cắt tóc,…

Lối sống và dinh dưỡng: hút thuốc lá, dầu dùng trong nấu ăn, thức ăn giàu Cholesterol làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

2. Triệu chứng và chẩn đoán

Biểu hiện lâm sàng của bệnh lý u TNBMT thường nghèo nàn với khối u vùng TNBMT phát triển chậm và không gây đau. Tuy nhiên, việc chẩn đoán chính xác u  TNBMT là tương đối khó và không thể chỉ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng mà cần phải dựa vào cận lâm sàng. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cùng tế bào học có vai trò gợi ý cho chẩn đoán nhằm cung cấp thêm thông tin về vị trí, số lượng, ranh giới, kích thước cùng bản chất khối u. Chẩn đoán mô bệnh học được xem là có giá trị chẩn đoán xác định. Do đó, cần phối hợp giữa lâm sàng cũng như cận lâm sàng phù hợp để có hướng chẩn đoán chính xác và chỉ định điều trị đúng đắn bệnh lý u TNBMT.

2.1. Biểu hiện lâm sàng: 

Nói chung, triệu chứng của u TNBMT nghèo nàn và có thay đổi đôi chút tuỳ theo bản chất của khối u.

  • U lành tính: Thường biểu hiện một khối u vùng mang tai xuất hiện từ lâu, không đau, phát triển chậm. Khi u to nhanh có thể do nhiễm khuẩn hoặc tạo nang hoặc chảy máu trong khối u, khi đó thường có cảm giác căng tức vùng mang tai.
  • U ác tính: U phát triển nhanh, thường xâm nhập vào dây thần kinh mặt gây đau tê, liệt không hoàn toàn hoặc liệt hoàn toàn dây thần kinh này.

Ngoài ra có thể có một số trường hợp có thể gặp trình trạng nuốt vướng do khối u phát triển vào khoang quanh họng

2.2. Cận lâm sàng:

  • Chẩn đoán hình ảnh: 
    • Siêu âm: Là phương pháp dễ thực hiện, có giá trị cao trong chẩn đoán; góp phần khẳng định chẩn đoán lâm sàng, xác định kích thước, vị trí u ở trong nhu mô hay ngoài tuyến, u đặc hay u nang, u hay là hạch.

Hình ảnh siêu âm u tuyến nước bọt mang tai

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI): Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này mang lại rất nhiều thông tin trong việc đánh giá bệnh lý u tuyến nước bọt, mật độ, kích thước u, ranh giới, độ xâm lấn của u vào tổ chức xung quanh.
  • Tế bào học: Phương pháp này rất hữu ích trong việc phân biệt giữa viêm tuyến, hạch lympho với khối u, giữa tổn thương lành tính và ác tính. Sự hiểu biết về tế bào học thông qua chọc hút kim nhỏ có ảnh hưởng lớn tới kế hoạch điều trị.
  • Mô bệnh học: Là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán u TNBMT.

3. Điều trị:

Phẫu thuật là phương pháp cơ bản và duy nhất trong điều trị bệnh lý u lành tính TNBMT. Đây là phẫu thuật khó vì liên quan giải phẫu đặc biệt giữa TNBMT và sự chia nhánh của dây thần kinh mặt bên trong tuyến.

Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An trong những năm qua luôn là địa chỉ tin cậy để tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp chẩn đoán u tuyến nước bọt mang tai. Trước và trong khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá độ lan rộng, kích thước, vị trí của khối u, độ tuổi bệnh nhân, tình trạng di căn… để tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *