U dưới niêm đường tiêu hóa là những khối u xuất phát từ lớp cơ-niêm, lớp dưới niêm hay lớp cơ của thành ống tiêu hóa. Bệnh có đặc điểm là tổn thương nhô vào lòng ống tiêu hóa được bao phủ bởi lớp niêm mạc bình thường và được phát hiện tình cờ qua nội soi dạ dày hay nội soi đại tràng thường quy.
1. Triệu chứng
Hầu hết u dưới niêm thường nhỏ (< 2 cm) và không có triệu chứng nhưng u dưới niêm có thể gây xuất huyết, tắc nghẽn đường tiêu hóa hay di căn tùy thuộc kích thước u, vị trí và bản chất mô học.
2. Chẩn đoán
Các loại u dưới niêm như u mỡ, nang đôi và mô tụy lạc chỗ có thể được chẩn đoán dựa trên hình ảnh nội soi và không cần phải sinh thiết. Tuy nhiên, các loại u khác như GIST, u cơ trơn và các loại u có nguy cơ ác tính cần được sinh thiết hoặc cắt u để chẩn đoán và xác định khả năng ác tính. U dưới niêm thường nằm sâu bên dưới niêm mạc, xuất phát từ lớp dưới niêm hay lớp cơ nên lấy mô sinh thiết tương đối khó khăn. Nhiều kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán như sinh thiết tiêu chuẩn, sinh thiết bằng kềm lớn, cắt một phần u, sinh thiết đào, chọc hút bằng kim nhỏ hay sinh thiết bằng kim qua siêu âm nội soi, cắt bỏ niêm mạc qua nội soi hay phẫu tích dưới niêm mạc qua nội soi, phẫu thuật…
Hình ảnh u dưới niêm mạc trên nội soi và siêu âm nội soi
Hiện nay, người ta đã gắn vào đầu của ống nội soi một đầu dò siêu âm cho phép tiến hành thăm khám bằng siêu âm từ trong lòng ống tiêu hóa và kỹ thuật này được gọi là siêu âm nội soi. Đây là kỹ thuật kết hợp giữa nội soi và siêu âm, trong đó đầu dò siêu âm được tiếp cận gần nhất (không còn các hạn chế của siêu âm thông thường như khí, nhiễu ảnh…) với các tổn thương cần thăm dò qua đường nội soi: tổn thương thành thực quản, dạ dày, ruột, gan, tụy mật. Siêu âm nội soi là phương pháp hình ảnh học chính xác nhất để đánh giá u dưới niêm đường tiêu hóa vì khả năng phác họa riêng biệt từng lớp của thành ống tiêu hóa và xác định chính xác vị trí của u dưới niêm. Siêu âm nội soi có độ chính xác cao hơn chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ trong chẩn đoán u dưới niêm nhỏ (< 2 cm). Nội soi siêu âm có thể đo kích thước u dưới niêm và đánh giá hạch xung quanh. Cuối cùng, chọc hút bằng kim nhỏ qua siêu âm nội soi hay sinh thiết qua siêu âm nội soi giúp xác định bản chất mô học của u dưới niêm và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Chọc hút bằng kim nhỏ qua siêu âm nội soi
3. Điều trị
U mỡ thường chỉ cần theo dõi nhưng khi gây ra triệu chứng như tắc nghẽn, chảy máu, có thể cắt bỏ qua nội soi và siêu âm nội soi (SANS) giúp tránh các mạch máu, các cấu trúc lân cận.
Các trường hợp u mô đệm đường tiêu hóa (GIST) có triệu chứng, có kích thước lớn và/hoặc có nhiều đặc điểm gợi ý ác tính trên SANS thì cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Ngược lại, GIST nhỏ, không triệu chứng và hình ảnh phù hợp lành tính thì chỉ cần theo dõi.
– Cắt bỏ niêm mạc qua nội soi (EMR)
Cắt bỏ niêm mạc qua nội soi được sử dụng để cắt những u niêm mạc và dưới niêm xuất phát từ lớp cơ-niêm hay dưới niêm có đường kính đến 2 cm.
– Phẫu tích dưới niêm mạc qua nội soi (ESD)
Cắt phẫu tích dưới niêm mạc qua nội soi có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị u xuất phát từ lớp cơ hay u dưới niêm ác tính. Cắt dưới niêm mạc có thể cắt những u dưới niêm to hơn 2cm nhưng đây là kỹ thuật khó, thời gian kéo dài và nguy cơ tai biến cao khi u trên 5 cm.
– Cắt bỏ u nội soi qua đường hầm dưới niêm mạc (ESTD)
Kỹ thuật tạo đường hầm dưới niêm mạc đầu tiên được sử dụng ở thực quản để cắt cơ vòng thực quản dưới điều trị chứng co thắt tâm vị. Sau đó kỹ thuật này được sử dụng để cắt u dưới niêm xuất phát từ lớp cơ ở thực quản và tâm vị.
– Cắt toàn bề dày thành ống tiêu hóa qua nội soi (EFTR)
Kỹ thuật cắt toàn bề dày thành ống tiêu hóa có khả năng thực hiện và đảm bảo lấy trọn u. Cắt toàn bề dày thành ống tiêu hóa có thể thực hiện hoàn toàn qua nội soi. Kỹ thuật này có thể thực hiện với những u dưới niêm to đến 4 cm và ở những vị trí khó như phình vị hay phần cao của thân vị.
– Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt u, cắt dạ dày không điển hình hay cắt đoạn ống tiêu hóa chứa khối u được sử dụng khi các kỹ thuật điều trị qua nội soi thất bại do u lớn, vị trí khó, u có nguy cơ ác tính và có di căn hạch.
Tác giả: BS. Lê Hồng Nam, Khoa Nội soi – Thăm dò chức năng
Hiệu đính: BS. Nguyễn Thị Hương Ly, Khoa Nội soi – Thăm dò chức năng