Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay. Trong đó, xạ trị chiếu ngoài (External Beam Radiation Therapy) được áp dụng rộng rãi nhờ khả năng tiêu diệt tế bào ung thư một cách chính xác. Tuy nhiên, xung quanh phương pháp này vẫn còn nhiều điều khiến người bệnh và người nhà băn khoăn – thậm chí là hiểu lầm. Dưới đây là những điều ít người biết, nhưng rất đáng để hiểu rõ, nếu bạn hoặc người thân đang bước vào hành trình điều trị ung thư.
1. Xạ trị chiếu ngoài không phải là “một kích thước phù hợp với tất cả”
Nhiều người nghĩ rằng xạ trị chỉ đơn giản là chiếu tia vào khối u, nhưng thực tế, phương pháp này được cá nhân hóa rất cao. Các bác sĩ sử dụng hình ảnh chẩn đoán như CT, MRI hoặc PET để lập kế hoạch điều trị chính xác, xác định vị trí, kích thước và hình dạng của khối u. Công nghệ như xạ trị điều biến cường độ (IMRT) hoặc xạ trị hướng dẫn hình ảnh (IGRT) cho phép điều chỉnh liều tia phù hợp, nhắm mục tiêu chính xác vào khối u mà giảm thiểu tổn thương cho các mô lành xung quanh.
Bác sĩ duyệt kế hoạch xạ trị cho từng bệnh nhân
2. Sau xạ trị chiếu ngoài, cơ thể không phát tia phóng xạ
Đây là một hiểu lầm phổ biến: nhiều người nghĩ rằng bệnh nhân xạ trị sẽ “phát tia” sau điều trị, có thể ảnh hưởng đến người khác. Khác với xạ trị áp sát như phương pháp điều trị tuyến giáp bằng I-131. I-131 sau khi được đưa vào cơ thể sẽ phát ra tia beta để phá huỷ tế bào tuyến giáp, vì vậy, bệnh nhân sau khi uống I-131 sẽ có phát xạ từ cơ thể, do đó cần được cách ly. Đối với xạ trị chiếu ngoài, không có phát xạ phóng xạ từ cơ thể bệnh nhân sau điều trị. Nguồn bức xạ được tạo ra từ máy gia tốc tuyến tính bên ngoài và chỉ hoạt động trong thời gian chiếu xạ. Bệnh nhân không mang tính phóng xạ sau khi rời phòng điều trị, không cần cách ly hay hạn chế tiếp xúc với người khác.
Bệnh nhân không phải cách ly hay hạn chế tiếp xúc với người khác
3. Tuyệt đối cần giữ nguyên tư thế trong khi điều trị
Trong mỗi buổi xạ trị, bệnh nhân phải giữ đúng tư thế, đôi khi trong vài chục phút. Với một số vùng khó cố định như đầu, cổ, ngực, người bệnh còn được làm mặt nạ hoặc khuôn định hình để tránh cử động sai lệch. Độ chính xác trong từng milimet có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị.
Trong mỗi buổi xạ trị, bệnh nhân phải giữ đúng tư thế
4. Thời gian điều trị ngắn
Tùy vào kỹ thuật xạ trị, mỗi buổi xạ trị bằng chùm tia chiếu ngoài khá nhanh gọn – chỉ khoảng 10 đến 20 phút. Trong đó, thời gian tia xạ thực sự “tác động” lên cơ thể chỉ kéo dài vài phút. Thời gian còn lại là để định vị chính xác vị trí khối u, đảm bảo tia xạ chiếu đúng mục tiêu.
5. Cả một đội ngũ sau mỗi buổi điều trị
Xạ trị không chỉ đơn giản là “chiếu tia vào khối u”. Trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh phải trải qua khâu chụp mô phỏng, lên kế hoạch điều trị bằng phần mềm chuyên dụng. Một khía cạnh ít được chú ý là vai trò của đội ngũ chuyên gia đứng sau mỗi ca xạ trị. Không chỉ có bác sĩ xạ trị, mà còn có kỹ sư vật lý y khoa và kỹ thuật viên cùng phối hợp để đảm bảo tia xạ nhắm trúng đích với độ chính xác cực cao và an toàn cho bệnh nhân.
Điều trị ung thư là hành trình không dễ dàng, nhưng càng hiểu rõ, người bệnh càng có thêm niềm tin và sức mạnh. Xạ trị chiếu ngoài là một trong những công cụ y học hiện đại, an toàn và hiệu quả khi được sử dụng đúng cách. Và quan trọng nhất: người bệnh không đơn độc – luôn có cả một đội ngũ y tế đồng hành phía sau.
Tác giả: KS. Phan Xuân Thám – Khoa Vật lý xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An
Hiệu đính: Ths. KS. Đào Anh Nhất – Trưởng Khoa Vật lý xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An