Thực trạng…
Thời gian vừa qua toàn thể người dân trên đất nước Việt Nam nói riêng và toàn Thế giới nói chung đã và đang oằn mình chống lại Đại dịch Covid-19. Sức mạnh về thể chất, tinh thần, các nguồn lực con người, kinh tế,.. cũng đang dần cạn kiệt trước sức tàn phá khủng khiếp của Đại dịch (Tính đến ngày 21/05/2021 số ca tử vong được WHO công bố là 3,4 triệu người, tuy nhiên con số này thực tế có thể là 6 đến 8 triệu trên toàn thế giới, cùng với đó là sự thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế không thể đo đếm).
Tại Việt Nam, tính đến nay là đợt dịch lần thứ 4, đợt dịch sau nghiêm trọng hơn đợt trước về tính chất và quy mô. Thời sự, báo đài đưa tin hàng ngày, hàng giờ chắc hẳn tôi không cần nêu lên những mất mát, đau thương, khổ cực của toàn thể nhân dân đang gánh chịu.
Xót xa…
Có những người con tham gia chống dịch không thể về chịu tang bố, tang mẹ. Hình ảnh em bé 3 tuổi hết hạn cách ly lẽo đéo theo bố trong bộ trang phục phòng hộ rộng thùng thình. Có những em sinh viên trường y khoa tình nguyện xông vào tâm dịch Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh,… bỏ lại đàng sau là nỗi lo lắng của bố mẹ, nhớ nhung của bạn bè, ở cái tuổi mà đáng ra các em đang được sống yên bình trong thanh xuân, tình yêu của tuổi trẻ.
Hình ảnh người chiến sỹ áo trắng rộp phồng tấm lưng, hay hình ảnh họ nằm xoài trên nền đất đầy cát vì quá mệt,… hình ảnh đó chắc hẳn sẽ ám ảnh những con người sống trong thế hệ này đến mãi về sau.
Hy vọng…
Hy vọng vượt qua đại dịch để đưa cuộc sống trở về với những giây phút bình thường, để những chiều tản bộ bên bờ Hồ gươm, những ly cà phê đen tí tách bên ông bạn già hay những đôi uyên ương được về chung một nhà sau bao ngày nhung nhớ,… Những hy vọng đó chỉ có thể gửi vào vắc xin chống covid-19. Tuy nhiên trên thực tế số lượng, chủng loại, khả năng cung cấp, tác dụng của vắc xin vẫn đang được đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.
Các câu hỏi thường gặp về vắc xin Covid -19…
- Vắc xin là gì?
Vắc-xin là một chất giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh cụ thể. Vắc-xin khiến hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể để chống lại vi-rút và vi khuẩn. Nếu cơ thể bị phơi nhiễm với một loại bệnh đã được tiêm vắc-xin ngừa bệnh đó, kháng thể sẽ chống lại các vi khuẩn hoặc vi-rút gây bệnh trước khi chúng làm cơ thể ta bị bệnh.
- Hiện tại Việt Nam đã tiêm được bao nhiêu liều vắc xin?
Tính đến hôm nay, số liều vắc xin đã được tiêm tại Việt Nam là 1,35 triệu liều. Trong thời gian tiếp theo Bộ Y Tế sẽ tiếp tục triển khai tiêm khi có cơ số vắc xin mới được cung cấp.
- Vắc xin covid-19 có an toàn không?
Có. Vắc-xin COVID-19 đã thông qua các thử nghiệm giống như những loại vắc-xin đã được phê chuẩn khác. Vắc-xin COVID-19 đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao mà những thử nghiệm này đặt ra.
Quy trình thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin COVID-19 nhanh chóng hơn những loại vắc-xin khác nhưng đã được thực hiện cẩn thận như những thử nghiệm vắc-xin khác. Hơn 110.000 người đã dùng các loại vắc-xin COVID-19 khác nhau trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, những người tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng bao gồm 10-19% người Da đen và 15-45% người Hispanic/La-tinh (tùy theo nghiên cứu), điều này nghĩa là độ an toàn của vắc-xin đã được thử nghiệm trong một nhóm đối tượng đa dạng. Đã không có lo ngại lớn nào về độ an toàn trong bất cứ thử nghiệm nào.
Vắc-xin COVID-19 đã được phê chuẩn theo khuôn khổ quy định cấp phép sử dụng khi khẩn cấp vì tính chất nghiêm trọng của đại dịch. Rất có khả năng là những loại vắc-xin khác cũng sẽ được phê chuẩn theo cách này. Nhưng tiêu chuẩn an toàn đối với việc cấp phép sử dụng khi khẩn cấp gần giống với những tiêu chuẩn mà các loại vắc-xin phải đáp ứng trong quy trình cấp phép thông thường.
Các nhóm chuyên gia cũng đang tiếp tục xem xét độ an toàn của vắc-xin COVID-19 sau khi mọi người bắt đầu sử dụng chúng.
- Vắc-xin COVID-19 có thể làm tôi mắc bệnh COVID-19 không?
Không. Không có vắc-xin COVID-19 nào được cấp phép và khuyên dùng hay vắc-xin COVID-19 đang được phát triển nào chứa vi-rút còn sống gây bệnh COVID-19. Điều này có nghĩa là vắc-xin COVID-19 không thể khiến chúng ta nhiễm bệnh COVID-19.
Vắc-xin COVID-19 dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta cách nhận biết và chiến đấu với chủng vi-rút gây bệnh COVID-19. Có đôi khi, quy trình này có thể gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như sốt, đau mỏi cơ. Các triệu chứng này là bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19.
Thông thường phải mất vài tuần sau khi tiêm chủng để cơ thể phát triển khả năng miễn dịch (bảo vệ khỏi vi-rút gây bệnh COVID-19). Điều này có nghĩa là một người có thể bị lây nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm chủng và vẫn sẽ bị bệnh. Đây là do vắc-xin chưa có đủ thời gian để cung cấp sự bảo vệ.
- Tác dụng phòng chống covid 19 sẽ kéo dài trong bao lâu?
Thực tế hiện nay, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về thời gian tác dụng của các loại vắc xin chống covid-19, tuy nhiên trước mắt chắc chắn nó có tác dụng bảo vệ chúng ta.
Bản thân…
Bản thân là một cán bộ y tế đang công tác tại bệnh viện tuyến Tỉnh, tôi nằm trong số danh sách được ưu tiên tiêm vắc xin covid-19. Tuy nhiên thật xấu hổ khi tôi đã không sử dụng mũi tiêm đó.
TẠI VÌ SAO ư, có lẽ tại vì tôi không đủ dũng cảm, tại vì tôi ích kỷ, tôi sợ, một nỗi sợ vô hình. Những ngày trước đợt tiêm tôi cứ nghĩ: Tại sao mình phải tiêm, nhỡ thuốc có vấn đề gì thì chết à, hay cứ để người khác tiêm xem sao, tiêm vào thì sốt, rồi đau cơ lắm,… và rồi, thực sự tôi đã không tiêm.
HỐI HẬN, đó là cảm giác bây giờ của tôi, khi mà đợt dịch thứ 4 bùng lên, giá như khi đó tôi quyết định tiêm, thì bây giờ có thể an tâm phần nào cho bản thân, gia đình và tất cả mọi người.
Qua đây, tôi muốn nhắn nhủ với mọi người, trong cuộc sống đừng nghĩ quá nhiều cho bản thân, đôi lúc phải biết đánh đổi, biết hy sinh cho cộng đồng, cho xã hội để cuộc sống quanh ta nhẹ nhàng hơn.
Vậy “Tiêm vắc xin Covid-19 NÊN hay KHÔNG NÊN?”
Nên tiêm các bạn nhé, hãy tiêm vắc xin vì bản thân, vì gia đình và vì cộng đồng. Lợi ích nó mang lại vượt xa những tác dụng phụ có thể xảy ra. Cái gì cũng phải đánh đổi đúng không, hãy lấy bản thân đánh đổi cho tương lai, sự bình yên của toàn Xã hội!