Ung thư tuyến giáp đã trở thành căn bệnh thường gặp hiện nay nhưng là loại ung thư có tiên lượng khá tốt nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh lại khó phát hiện bởi không có hoặc rất ít triệu chứng lâm sàng, đồng thời cũng rất ít bệnh nhân thường xuyên đi khám tầm soát ung thư tuyến giáp. Vì vậy, mỗi người nên chủ động đi tầm soát ung thư tuyến giáp sớm để có thể phòng tránh và phát hiện bệnh sớm, đặc biệt với những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao.
Những đối tượng khi có các yếu tố nguy cơ hoặc các triệu chứng sau thì nên đi khám sàng lọc ung thư tuyến giáp để kiểm tra.
1.Những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao
– Ung thư tuyến giáp có thể gặp ở cả nam và nữ, thường gặp từ 25 tuổi trở lên, Nữ giới ở độ tuổi này hormone thay đổi nhiều làm ảnh hưởng đến tuyến giáp và nguy cơ cao hơn nam giới.
– Hệ miễn dịch bị rối loạn
– Trẻ em tiếp xúc với phóng xạ ở cổ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp
– Những người bị bệnh về tuyến giáp như: bướu cổ, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp cao hơn người bình thường.
– Tiền sử người thân mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp.
– Sống trong vùng gần lò phản ứng hạt nhân hoặc trong vòng bán kính 300km nơi xảy ra thảm họa hạt nhân.
2.Triệu chứng
– Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình, xét nghiệm chức năng của tuyến giáp vẫn trong giới hạn bình thường. Nhân tuyến giáp chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc CTscanner.
– Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn hơn với biểu hiện là:
- Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt.
- Khàn tiếng, khó thở.
- Nổi hạch cổ.
-> Khi nhận thấy những bất thường ở cơ thể, chúng ta cần đi khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
II.Các bước khám sàng lọc ung thư tuyến giáp để chẩn đoán
– Khám sàng lọc lâm sàng bởi bác sỹ chuyên khoa.
– Xét nghiệm hormone tuyến giáp: Đo nồng độ TSH, FT3 và FT4, xét nghiệm này được thực hiện để đánh giá chức năng tuyến giáp.
– Siêu âm tuyến giáp: Siêu âm giúp phát hiện các nhân giáp, xác nhận kích thước bướu tuyến giáp, đánh giá cấu trúc tuyến giáp, cung cấp chi tiết liên quan đến đặc điểm khối u.
– Chọc hút kim nhỏ tuyến giáp: được thực hiện khi bác sỹ phát hiện u tuyết giáp có nhân bất thường sau bước siêu âm.
– Xạ hình tuyến giáp: để kiểm tra cấu trúc và chức năng của tuyến giáp và các khối u tuyến giáp.
III. Điều trị
1. Phẫu thuật.
Cắt toàn bộ tuyến giáp ( có thể vét hạch cổ) là phương pháp đầu tay trong điều trị ung thư tuyến giáp. Thông thường, ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm có thể chỉ cần phẫu thuật. Đối với những trường hợp có di căn hạch cổ, bác sĩ có thể chỉ định thêm điều trị bộ trợ bằng I-131 sau phẫu thuật. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ cần phải uống thuốc hormone tuyến giáp cho đến hết đời(chỉ nghỉ hormone khi có chỉ định của Bác sỹ chuyên khoa để xạ hình toàn thân kiểm tra hoặc điều trị I131).
2. Điều trị I-131.
Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu i-ốt rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô giáp còn lại (lành tính và ung thư) sau khi phẫu thuật.
Trước khi điều trị I-131 bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân ngừng hormone tuyến giáp từ 3-6 tuần, tăng khả năng hấp thu I-131 để đạt hiệu quả điều trị tối đa. Khi chỉ số TSH đạt tới mức cần thiết theo yêu cầu của bác sĩ, bệnh nhân được uống I-131 liều nhỏ và chụp xạ hình chẩn đoán với I-131 hoặc xạ hình tuyến giáp với Tc-99m. Xét nghiệm này giúp bác sĩ có thể ước lượng được phần mô giáp cần phá hủy là bao nhiêu cũng như đánh giá tổn thương di căn xa khác.
3. Ngoài ra còn có điều trị xạ trị ngoài và điều trị đích cho UTTG tiến triển, di căn xa khi phẫu thuật và điều trị I-131 không hiệu quả.
V.Theo dõi bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau điều trị:
Theo dõi định kỳ là cần thiết đối với tất cả các bệnh nhân ung thư tuyến giáp vì bệnh có thể tái phát sau điều trị. Các xét nghiệm chính cần làm trong quá trình theo dõi bệnh là siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu. Kèm theo bệnh nhân phải dùng thuốc hormone tuyến giáp (Levothyroxine) từ sau khi mổ cắt tuyến giáp đến hết đời. Liều thuốc hormone phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, cân nặng, sinh lý của bệnh nhân. Nồng độ TSH là chỉ số nhạy nhất để theo dõi liều Levothyroxine có thích hợp không khi dùng cho mỗi bệnh nhân. Ngoài ra, chỉ số Tg (thyroglobulin) cũng là dấu ấn ung thư quan trọng trong quá trình theo dõi bệnh. Nếu chỉ số này cao trong huyết thanh thì có thể nghi ngờ do bệnh tái phát và kết hợp thêm với một số xét nghiệm chẩn đoán khác. Tg có thể được định lượng khi bệnh nhân đang dùng hormone hoặc ngừng hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, có hơn 25% số bệnh nhân không thể định lượng Tg chính xác do nồng độ kháng thể kháng Tg (Anti Tg) trong huyết thanh cao hơn bình thường. Hơn nữa ở những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao, chụp xạ hình toàn thân chẩn đoán với I-131 sau khi ngừng thuốc hormone cũng có thể được áp dụng để bổ trợ cùng với xét nghiệm Tg và siêu âm vùng cổ.
Phát hiện sớm, điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh và theo dõi định kì sau điều trị là yếu tố vô cùng quan trọng. Để có kết quả xét nghiệm, chẩn đoán tuyến giáp chính xác nhất, điều trị hiệu quả bạn nên đến khám và điều trị tại những cơ sở y tế khám chữa bệnh chuyên khoa. Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sỹ được đào tạo chuyên sâu có chuyên môn cao và cùng hệ thống máy móc công nghệ hiện đại, đầy đủ mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp về tuyến giáp cho người dân ở trong Tỉnh Nghệ An và cũng như ngoài Tỉnh.
“ Phòng bệnh luôn luôn dễ hơn chữa bệnh.”