Tiền liệt tuyến (hay tuyến tiền liệt) là một tuyến ngoại tiết thuộc tuyến sinh dục nam có nhiệm vụ sản xuất tinh dịch và hormon nam. Đối với người trưởng thành, tiền liệt tuyến nặng khoảng 20-25gam, với các kích thước chiều rộng khoảng 4cm, chiều dài khoảng 3cm và đường kính trước sau khoảng 2cm. Tiền liệt tuyến nằm ở đáy chậu giữa bàng quang và cơ thắt niệu đạo ngoài, trước trực tràng và dưới xương mu.
Ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT) là một trong những ung thư phổ biến nhất ở nam giới, đặc biệt là tại các nước phát triển. Theo ước tính của GLOBOCAN 2020, trên thế giới, UTTTL đứng hàng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới và thứ 5 về tỉ lệ tử vong. Tại Việt Nam, căn bệnh này đứng thứ 5 về tỉ lệ mắc và thứ 7 về tỉ lệ tử vong với lần lượt 6.248 trường hợp mắc mới và 2.628 trường hợp tử vong trong năm 2020. UTTTL là bệnh diễn biến chậm trong nhiều năm, khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Trên thực tế, tỷ lệ chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm còn rất thấp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nếu như ở Mỹ, nơi có tỉ lệ UTTTL cao và bệnh nhân được chẩn đoán sớm do việc sàng lọc PSA và sinh thiết tiền liệt tuyến thực hiện tốt, tỉ lệ UTTTL giai đoạn IV là 4%, thì tỷ lệ UTTLT giai đoạn IV tại Việt Nam là trên 50%.
Triệu chứng ung thư tiền liệt tuyến ?
UTTLT giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Các triệu chứng thường xảy ra ở các giai đoạn muộn.
Các dấu hiệu cảnh báo UTTLT: tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ, tiểu máu, thậm chí là bí tiểu, tinh dịch có máu…
Một số dấu hiệu khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, di căn: mệt mỏi do thiếu máu, gầy sút cân, đau xương do di căn, đau bụng, đau tầng sinh môn…
Các yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến
- Tuổi: Tuổi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của UTTTL. Rất ít nam giới dưới 40 tuổi được chẩn đoán mắc UTTTL, từ 50 tuổi trở lên, nguy cơ mắc loại ung thư này tăng theo cấp số mũ.
- Chủng tộc, sắc tộc: Sự khác nhau về nguy cơ mắc UTTTL giữa các chủng tộc và nhóm sắc tộc rất lớn. Do nguy cơ mắc UTTTL ở nam giới da đen cao nên nhóm sắc tộc này được khuyên nên sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn so với nhóm da trắng.
- Tiền sử gia đình.
- Yếu tố di truyền.
Nên khám, tầm soát ung thư tiền liệt tuyến khi nào ?
- Nên tiến hành khám và xét nghiệm ở nam giới trên 50 tuổi hoặc trên 45 tuổi nếu có tiền sử gia đình UTTTL.
- Theo khuyến cáo của NCCN 2023, tầm soát UTTLT được thực hiện sớm hơn: nam giới trên 45 tuổi hoặc nam giới trên 40 tuổi khi có tiền sử gia đình UTTLT, hoặc có yếu tố nguy cơ cao.
Các phương pháp tầm soát ung thư tiền liệt tuyến:
- Thăm trực tràng bằng ngón tay: Thăm khám trực tràng bằng ngón tay là biện pháp được sử dụng để phát hiện bệnh. Thăm trực tràng là một phương pháp khám đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp, tuy vậy có nhiều nguyên nhân làm cho độ nhạy chẩn đoán không cao.
- Xét nghiệm PSA: là một xét nghiệm máu định lượng giá trị PSA, kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, được dùng để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
PSA là một loại protein được sản xuất bởi cả mô ung thư và mô lành trong tuyến tiền liệt, chủ yếu được tìm thấy trong tinh dịch và có một lượng nhỏ tồn tại trong máu. Khi tuyến tiền liệt bình thường, nồng độ của chất này trong máu rất thấp. Chỉ số bình thường trong khoảng từ 0 – 4 ng/ml. Nếu nồng độ của PSA trong máu tăng, người bệnh có thể bị ung thư tuyến tiền liệt.
Kháng nguyên PSA trong máu chỉ cho biết nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp như tuyến tiền liệt tăng sinh lành tính hoặc bị viêm cũng có thể làm tăng nồng độ PSA. Do đó, nếu chỉ số PSA cao cũng chưa thể khẳng định là người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt mà cần phải thực hiện thêm các biện pháp kiểm tra khác.
Những bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ khi tầm soát sẽ được làm thêm các cận lâm sàng cần thiết: siêu âm, sinh thiết tiền liệt tuyến, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, xạ hình xương…
Bệnh ung thư tiền liệt tuyến có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, đồng thời giảm được chi phí điều trị và các biến chứng có thể gặp sau quá trình điều trị. Khi ở giai đoạn muộn, việc điều trị khối u thường khó khăn hơn do khối u đã xâm lấn xung quanh hoặc di căn. Khi đó người bệnh sẽ phải trải qua các biện pháp điều trị nặng nề hơn, có thể gây ra nhiều biến chứng. Thêm vào đó, chi phí điều trị cũng sẽ tốn kém hơn rất nhiều, thời gian sống cũng ngắn đi. Vì vậy, việc đi khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, tầm soát UTTLT khi có các triệu chứng đường tiết niệu hoặc yếu tố nguy cơ là rất quan trọng.
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tự hào là bệnh viện chuyên ngành với đội ngũ bác sỹ giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị hiện đại, có thể giúp chẩn đoán và điều trị ung thư tiền liệt tuyến hiệu quả, là địa chỉ được nhiều người bệnh tin tưởng và lựa chọn.
Ths.BS. Nguyễn Ngọc Tú – Phó Trưởng Khoa Nội 5, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An