Được triển khai để điều trị ung thư vào đầu năm 2019, lĩnh vực xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã gặt hái được rất nhiều thành công đáng ghi nhận: Bệnh viện đã trang bị hệ thống thiết bị xạ trị hiện đại, cùng với đội ngũ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản gồm: Bác sỹ xạ trị, Kỹ sư vật lý xạ trị và kỹ thuật viên xạ trị; Đưa vào hoạt động hệ thống thiết bị xạ trị công nghệ cao bao gồm 2 máy gia tốc xạ trị Elekta Precise và Elekta Synergy Platform, hệ thống máy CT – Simulator hãng GE; Triển khai ứng dụng các kỹ thuật xạ trị mới ưu việt để giúp nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh đến khám và điều trị.
Hãy cùng tìm hiểu về quy trình xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và 1 số lưu ý cho bệnh nhân khi thực hiện xạ trị để đảm bảo an toàn và mang lại hiểu quả điều trị cao nhất.
- Bước 1: Chỉ định và chụp CT-mô phỏng: Chụp CT – mô phỏng là giai đoạn đầu tiên của quá trình lập kế hoạch xạ trị. Ở quá trình này, bệnh nhân được đánh dấu định vị trên cơ thể, hoặc trên các dụng cụ cố định gắn trên cơ thể như mặt nạ nhiệt, Vaccum-bag.
- Bước 2: Lập kế hoạch xạ trị: Hình ảnh sau khi chụp CT-mô phỏng của bệnh nhân sẽ được xử lý, đánh giá và tiến hành lập kế hoạch bởi các Bác sĩ và Kỹ sư. Thời gian tùy thuộc vào độ phức tạp của mặt bệnh và tình trạng bệnh của bệnh nhân.
- Bước 3: Tiến hành chiếu xạ: Bệnh nhân được chờ để gọi tên và sắp xếp lịch điều trị bởi các KTV. Trước khi vào điều trị bệnh nhân được phổ biến quy trình điều trị tại phòng máy gia tốc. Bệnh nhân được thiết lập vị trí nằm giống như khi chụp CT-mô phỏng, được đánh dấu định vị lại và có thể được xăm lên bề mặt da nếu như đã được đánh dấu trên bề mặt da.
Lưu ý: Trong quá trình máy phát tia điều trị bệnh nhân phải giữ nguyên tư thế, không di động bộ phận nào trên cơ thể dù là nhỏ nhất, hít thở đều nhẹ nhàng. Những bệnh nhân được xạ trị ở vùng da nhạy cảm sẽ được hướng dẫn bôi kem dưỡng và làm dịu da trước khoảng 30p đến 1 tiếng trước khi điều trị. Sau khi điều trị xong bệnh nhân giữ lại phiếu hẹn và nộp lại trước mỗi buổi điều trị tiếp theo.