15/11/2024
Sinh thiết tủy xương là một thủ thuật cắt mô mềm trong tủy xương nhằm mục đích kiểm tra tình trạng sản sinh các tế bào máu có trong tủy xương. Thủ thuật sinh thiết tủy xương bao gồm các bước chuẩn bị, thực hiện và theo dõi sau thủ thuật. Quá trình thực hiện sinh thiết tủy xương cần đảm bảo vô khuẩn và tính chính xác để hạn chế nguy cơ gây ra biến chứng.
1. Chuẩn bị
– Người bệnh được bác sĩ lâm sàng giải thích về ý nghĩa, vai trò của sinh thiết tủy xương, quá trình thực hiện, các tai biến có thể gặp của thủ thuật.
– Bác sĩ thực hiện thủ thuật kiểm tra đối chiếu thông tin người bệnh và khai thác tiền sử bệnh tật, các thông tin liên quan có ảnh hưởng đến quá trình sinh thiết tủy xương: Tên, tuổi, khoa/phòng người bệnh; kiểm tra huyết áp, nhịp tim người bệnh và test thuốc tê; tìm hiểu về tiền sử bệnh lý, tiền sự dị ứng của người bệnh, đặc biệt là tiền sự bệnh rối loạn đông máu.
2. Tiến hành sinh thiết tủy xương
Sinh thiết tủy là thủ thuật có xâm lấn vì vậy trong quá trình làm thủ thuật sẽ luôn được đảm bảo vô khuẩn. Việc lấy mẫu sinh thiết có thể khiến người bệnh gặp cảm giác đau âm ỉ ở vùng xương được lấy tủy.Thông thường, kỹ thuật sinh thiết tủy xương được thực hiện tại vị trí gai chậu sau trên, bác sĩ sẽ xác định điểm mốc, sau đó sát khuẩn vị trí thực hiện thủ thuật và gây tê tại chỗ cho người bệnh. Tiếp theo khi thuốc tê có tác dụng, bác sĩ đưa kim y tế chuyên dụng xuyên xương và lắc nhẹ kim hai chiều theo hình chữ thập để cắt lấy mẫu tủy.
Tiến hành sinh thiết tủy xương
Sau khi lấy được mẫu tủy, bác sĩ rút kim và dùng bông ấn nhẹ để cầm máu, cho mẫu bệnh phẩm vào cassette. Cuối cùng, bác sĩ băng vết thương bằng gạc vô trùng để cầm máu và hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
3. Theo dõi sau khi sinh thiết tủy xương
Sau khi quá trình sinh thiết tủy xương kết thúc, người bệnh được nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý để vết thương sớm hồi phục, cụ thể:
– Người bệnh được gây tê tại vùng sinh thiết nên cần nghỉ ngơi 10 -15 phút sau khi bác sĩ thực hiện xong thủ thuật.
– Người bệnh cần giữ vết thương luôn khô ráo, tránh tiếp xúc trực tiếp với nước trong ít nhất 24 giờ.
– Theo dõi những triệu chứng bất thường có thể xảy ra sau khi sinh thiết, ví dụ như sốt cao hoặc vết thương sinh thiết bị sưng tấy, chảy máu, chảy dịch vàng,… Người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu các triệu chứng này kéo dài hơn 1 tuần hoặc lâu hơn để có biện pháp xử lý kịp thời.