Tác Giả: | BS. Trương Khánh Hùng |
Hiệu đính: | 1. ThS.BS. Nguyễn Viết Bình |
2. BSCKII. Nguyễn Khánh Toàn |
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, số lượng mắc mới ung thư phổi lên đến 18685 người trên một năm. Phần lớn, bệnh nhân đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn di căn, khi các tế bào ung thư đã lan tràn ở phổi và xuất hiện ở các cơ quan khác như não, xương, gan…
Đối với Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn di căn, điều trị nhắm trúng đích là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, giúp kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên, bên cạnh vượt bậc về hiệu quả điều trị, điều trị đích cũng thường gây ra các tác dụng phụ gây khó chịu cho người bệnh và có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng thuốc.
1. Tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài nhiều lần hơn bình thường, đi ra phân lỏng hoặc nước. Ở bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng, tiêu chảy có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm tác dụng phụ liên quan đến phương pháp điều trị, nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh, thay đổi chế độ ăn…
Theo Tiêu chuẩn thông dụng để đánh giá biến cố bất lợi (CTCAE), tiêu chảy được phân thành 04 cấp độ từ nhẹ đến nặng:
- Độ 1: Số lần đi ngoài/ngày tăng < 4 lần so với hàng ngày
- Độ 2: Số lần đi ngoài/ngày tăng 4-6 lần so với hàng ngày
- Độ 3: Số lần đi ngoài/ngày tăng ≥7 lần so với hàng ngày
Không thể cầm đi ngoài
Cần phải nhập viện
Hạn chế việc chăm sóc bản thân và các hoạt động hàng ngày
- Độ 4: Hậu quả đe dọa tính mạng. Có chỉ định can thiệp khẩn cấp.
Bình thường, tiêu chảy nhẹ thường không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng nhưng tiêu chảy nặng có thể dẫn đến rối loạn nước và điện giải, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Những biểu hiện thường gặp khi cơ thể bị mất nước: tăng cảm giác khát, tim đập nhanh, chóng mặt, đi tiểu ít hơn và nước tiểu sậm màu…
Bệnh nhân bị tiêu chảy cần cố gắng uống nhiều nước >2l/ ngày (uống nước không làm ngưng tiêu chảy nhưng giúp bù lại lượng nước bị mất, phòng cơ thể bị mất nước), chia nhỏ bữa ăn và ăn các loại thức ăn dễ tiêu ( chuối, khoai tây, trứng…), hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cà phê, rượu, sữa…
Tiêu chảy là tác dụng phụ thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi nhận điều trị đích. Đa số tiêu chảy thường ở mức độ nhẹ và đáp ứng với thuốc chống tiêu chảy như Loperamide (Liều khởi đầu 4mg, sau đó dùng 2mg sau mỗi lần đi ngoài hoặc mỗi 04 giờ, tối đa 16-20mg/ngày, đến khi hét tiêu chảy). Tùy vào mức độ tiêu chảy sẽ có các điều chỉnh khác nhau trong việc sử dụng thuốc đích.
2. Ban da
Ban da là tình trạng thay đổi của da thường gặp nhất khi điều trị đích. Ban có thể ở dạng nốt sần có mủ, nang, hoặc dạng mụn, thường xuất hiện tại phần da đầu, mặt, cổ, ngực, lưng trên và một số bộ phận khác. Ban da thường xuất hiện trong một vài tuần đầu điều trị, biểu hiện bằng nổi ban đỏ và phù ở da. Sau khoảng một tháng điều trị, da thường đỏng vảy, sau đó nếu điều trị thành công, da trở nên khô và có màu hồng tại vị trí tổn thương.
Theo Tiêu chuẩn thông dụng để đánh giá biến cố bất lợi (CTCAE), ban da được chia thành 04 độ
- Độ 1: Tổn thương chiếm < 10% diện tích da
- Độ 2: Tổn thương chiếm 10-30% diện tích da
- Độ 3: Tổn thương chiếm > 30% diện tích da. Hạn chế các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Có bội nhiễm tại chỗ và cần sử dụng kháng sinh đường uống
- Độ 4: Tổn thương bất kỳ, có bội nhiễm rộng và cần sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch, có thể đe dọa tính mạng
Bệnh nhân bị ban da mức độ nhẹ (độ 1, độ 2), vẫn tiếp tục duy trì liều thuốc đích đang dùng, kết hợp điều trị phản ứng trên da ( Sử dụng corticoid dạng bôi, độ 2 sử dụng thêm kháng sinh đường uống (Doxycycline, minocycline…) trong vòng 4-6 tuần). Bệnh nhân bị ban da độ 3-4, cần tạm ngừng thuốc đích trong 2-4 tuần kết hợp điều trị phản ứng trên da. Đánh giá lại sau mỗi 2 tuần. Nếu triệu chứng không cải thiện, nên ngừng hẳn thuốc đích.
Ngoài ra, bệnh nhân nên tránh tắm nước nóng và sử dụng các sản phẩm có thể gây khô và kích ứng da.
3. Viêm quanh móng
Móng là lớp bao phủ ở mặt lưng của ngón tay và ngón chân. Biến đổi về móng thường do các vấn đề sức khỏe khác nhau gây nên, bao gồm một số bệnh ung thư và phương pháp điều trị ung thư. Các tác dụng phụ của móng ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ do điều trị đích thường găp ở móng chân hoặc ngón tay cái, xuất hiện sau khi điều trị vài tuần hoặc vài tháng. Tổn thương thường bắt đầu bằng sự phát triển của viêm quanh móng (nhiễm khuẩn các mô mềm xung quanh móng) và có thể tiến triển thành sự phát triển quá mức của mô hạt dễ vỡ ở các nếp gấp bên và/hoặc đầu móng. Thông thường, các tổn thương này không nghiêm trọng nhưng có thể gây suy nhược ở một số bệnh nhân, đặc biệt khi chúng tồn tại kéo dài.
Theo Tiêu chuẩn thông dụng để đánh giá biến cố bất lợi (CTCAE), viêm quanh móng được chia thành 03 độ
- Độ 1: Phù nề móng, bong tróc lớp biểu bì
- Độ 2: Phù hoặc đỏ quanh móng kèm đau, có chảy mủ hoặc bong giường móng, giới hạn việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ hoạt động hàng ngày
- Độ 3: Giới hạn các hoạt động tự chăm sóc hàng ngày
Viêm quanh móng độ 3
Bệnh nhân bị viêm quanh móng độ 1,2 vẫn duy trì liều thuốc đích đang dùng. Đồng thời bôi corticosteroid tại chỗ ( Vd betamethasone valerat, mometasone furoate), ngâm giấm ( ngâm ngón tay, ngón chân vào giấm trắng pha nước theo tỉ lệ 1:1 trong 15 phút mỗi ngày), thoa kháng sinh (Vd Clindamycin 1%, Erythromycin 1%…), bôi bạc nitrate mỗi tuần (Độ 2). Đối với viêm quanh móng độ 3, ngoài các phương pháp điều trị như độ 1, 2 cần điều trị thuốc đích ngắt quãng, hội chẩn chuyên gia da liễu, cân nhắc nhổ móng và điều trị kháng sinh tĩnh mạch. Bệnh nhân có thể dùng lại liều thuốc đích tiêu chuẩn nếu các triệu chứng cải thiện.
Ngoài ra, để phòng ngừa các tác dụng phụ về móng, bệnh nhân cần kiểm tra ngón tay, ngón chân hàng ngày để phát hiện những bất thường trên móng và báo cho bác sĩ điều trị. Luôn cắt ngắn móng và giữ móng sạch sẽ để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng. Sử dụng găng tay bảo hộ khi làm vườn, lau dọn hoặc ngâm tay trong nước, đi dày dép rộng rãi…
4. Viêm niêm mạc miệng
Viêm niêm mạc miệng là trình trạng viêm ở niêm mạc trong khoang miệng, đặc trưng bởi vết loét đơn lẻ hoặc nhiều vết loét có giới hạn rõ, tròn, nông, đau, đôi khi được bao quanh bởi quầng đỏ. Các tổn thương này thường xuất hiện trong 2-3 tuần sau khi điều trị thuốc đích.
Theo Tiêu chuẩn thông dụng để đánh giá biến cố bất lợi (CTCAE), viêm niêm mạc miệng được chia thành 04 độ:
- Độ 1: Không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, không cần can thiệp
- Độ 2: Đau vừa, không ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, cần điều chỉnh chế độ ăn
- Độ 3: Đau nhiều, ảnh hưởng đến khả năng ăn uống
- Độ 4: Đe dọa tính mạng, cần can thiệp khẩn cấp
Bệnh nhân viêm niêm mạc miệng cần súc miệng bằng các sản phẩm chứa sodium bicarbonate, xạ hương hoặc mã đề. Đối với viêm niêm mạc miệng độ 1,2 vẫn duy trì liều thuốc đích đang dùng kết hợp bôi triamcinolone 2-3 lần/ngày và dùng kháng sinh đường uống( độ 2). Đối với viêm niêm mạc miệng độ 3, cần dừng thuốc đích 2-4 tuần kết hợp bôi clobetasol 2-3 lần/ngày và dùng kháng sinh đường uống. Nếu triệu chứng không cải thiện, cần ngừng hẳn thuốc đích.
Ngoài ra bệnh nhân cần làm sạch răng miệng ngày cả khi bị đau, nên dùng bàn chải lông mềm để chải răng và lưỡi. Giữ ẩm miệng bằng cách uống nước thường xuyên trong cả ngày ( 2-2,5l nước/ngày nếu không có chống chỉ định). Bổ sung vitamin và khoáng chất hàng ngày, chế độ ăn có hàm lượng protein cao. Nên ăn các thức ăn mềm và nhạt. Tránh ăn các thức ăn cay, chua, cứng và các đồ uống có cồn như rượu, bia..
Điều trị đích là một tiến bộ trong điều trị Ung thư phổi không tế bào nhỏ. Tác dụng phụ trên da, niêm mạc, móng và tiêu chảy là rất phổ biến và đa dạng ở những bệnh nhân được điều trị đích. Những tác dụng phụ này làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị. Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị, chẩn đoán và quản lý kịp thời các tác dụng phụ do thuốc đích gây ra là rất quan trọng. Tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân sớm, phù hợp với thông tin rõ ràng về các triệu chứng và cách phòng ngừa là cần thiết.
*Chương trình được tài trợ bởi AstraZeneca vì mục đích giáo dục y khoa