Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế đang là gánh nặng toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện,… Trong bối cảnh ngày càng nhiều trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện được ghi nhận, phòng ngừa nhiễm khuẩn không còn là trách nhiệm riêng của ngành y tế – đây là cuộc chiến cần có sự tham gia tích cực từ toàn xã hội.
Nhiễm khuẩn bệnh viện
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện xảy ra ở khoảng 7% số bệnh nhân nhập viện tại các quốc gia phát triển và lên tới 15% ở các quốc gia đang phát triển.
Sơ đồ nhiễm khuẩn bệnh viện
Ở Việt Nam, tại các cơ sở y tế đã triển khai thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh, chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống dịch bệnh,…Dù vậy, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn đang gặp phải rất nhiều những khó khăn thách thức. Tại một số cơ sở khám chữa bệnh “hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn” vẫn đang bị ngó lơ, chưa được đẩy mạnh vai trò và tầm quan trọng. Việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động này chưa phù hợp và hiệu quả, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu,….
Việc kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt làm xảy ra các tai biến nghiêm trọng và thực tế đã có nhiều bài học sâu sắc về công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn như: Ebola, MERS-CoV, Sởi,…cho thẩy nguy cơ lây nhiễm và hậu quả không chỉ dừng lại trong bệnh viện mà còn lan rộng ra cả cộng đồng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của y học hiện đại, đặc biệt là các kỹ thuật cao. Chưa hết, nhiễm khuẩn bệnh viện còn làm tăng nguy cơ phát tán vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn trong công tác điều trị và kiểm soát dịch bệnh.
Để ngăn chặn những thảm kịch có thể xảy ra do nhiễm khuẩn bệnh viện chúng ta phải làm nhiều điều hơn nữa. Đây không còn là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế mà đó là nhiệm vụ cấp thiết cần sự chung tay của cả cộng đồng. Từ các cơ sở y tế đến từng nhân viên y tế, người bệnh và người nhà, mỗi cá nhân đều đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Một cuộc chiến cần sự chung tay của toàn xã hội. Hãy cùng nhau hành động và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa vì một môi trường y tế an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
“KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN TRƯỚC KHI MẤT KIỂM SOÁT”
Tác giả: CN. Đỗ Thị Vân Anh – Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An
Hiệu đính : CN. Hoàng Thị Hương – Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An