ỐNG THÔNG DẠ DÀY VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Giới thiệu về ống thông dạ dày:

Ống thông dạ dày hay ống mở thông dạ dày, một vật dụng “quen thuộc” với người bệnh ung thư. Một ống thông (xông) được đặt xuyên qua thành bụng đến lòng dạ dày người bệnh.

Với người bệnh ung thư, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng ống mở thông dạ dày trong các trường hợp nào?

– Khối u xuất phát từ đường ống tiêu hoá phát triển gây bít tắc đường ăn: U thực quản, u họng miệng, hạ họng hay u đoạn nối thực quản với dạ dày.

– Khối u xuất phát từ các cơ quan khác lân cận ống tiêu hóa ở vùng cổ hay trong lồng ngực, phát triển chèn ép gây hẹp lòng ống tiêu hóa: U tuyến giáp, u phổi, u trung thất…

Trong các tình huống kể trên, việc ăn uống qua đường miệng trở nên khó khăn, không thể đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho người bệnh. Người bệnh có biểu hiện nuốt nghẹn, nuốt khó, mệt mỏi, gầy sút cân nhanh chóng, hoa mắt, chóng mặt (do thiếu máu). Tình trạng sức khỏe người bệnh suy sụp khiến liệu trình điều trị không thể hoàn thành hay gián đoạn dẫn đến kết quả điều trị không đạt được như mong đợi.

Một ống thông được đặt vào lòng dạ dày thông qua thành bụng, nhờ một cuộc mổ hoặc thủ thuật nội soi hay can thiệp điện quang, các bữa ăn chế biến phù hợp (cháo, súp, sữa, ngũ cốc…) đưa trực tiếp vào dạ dày qua ống thông, giúp có một phương án thay thế hoặc bổ sung cho việc ăn uống qua miệng.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, việc đặt ống mở thông dạ dày cũng đặt ra những vấn đề trở ngại ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của người bệnh như đau, chảy dịch hay chảy máu, loét hay nhiễm trùng lỗ mở thông trên thành bụng.

Những điểm chú ý sau đây người bệnh và gia đình cần nắm vững để việc sử dụng ống mở thông dạ dày an toàn và hiệu quả, để thời gian “chung sống” cùng ống mở thông dạ dày được thoải mái và nhẹ nhàng hơn:

1. Những điểm cần chú ý trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị của bạn trước khi tiến hành đặt ống mở thông dạ dày

Hiểu rõ các thông tin cần thiết giúp bạn và người thân sẵn sàng cho cuộc sống với ống thông dạ dày sắp tới

 Mục đích của việc đặt ống mở thông dạ dày: Ăn qua ống thông sẽ thay thế hoàn toàn hay chỉ bổ sung thêm cho ăn uống qua miệng, ống thông sẽ theo bạn vĩnh viễn hay tạm thời trong giai đoạn điều trị? Cần hỏi rõ bạn hay người thân nên hay không nên duy trì ăn, uống qua miệng sau khi có ống mở thông dạ dày và khi cần duy trí, chế độ ăn cần thay đổi như thế nào cho phù hợp?

2. Vệ sinh và chăm sóc mở thông dạ dày tại nhà

    Khi vệ sinh và chăm sóc vị trí lỗ mở thông dạ dày:

  • Người thực hiện rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
  • Sử dụng nước ấm và xà phòng trung tính 2 đến 3 lần mỗi ngày (Có thể lựa chọn sản phẩm dành cho trẻ em để hạn chế kích ứng da) để vệ sinh nhẹ nhàng vùng da quanh lỗ mở thông, hạn chế cọ xát hay động tác mạnh
  • Sau khi vệ sinh, thấm khô vùng da quanh lỗ mở thông với khăn bông mềm
  • Báo bác sĩ điều trị hay điều dưỡng chăm sóc biết nếu bạn cảm thấy đau hoặc phát hiện da quanh lỗ mở thông tấy đỏ
  • Chú ý vệ sinh lòng ống thông dạ dày với nước ấm sau mỗi lần cho ăn và thời hạn thay thế theo hướng dẫn ban đầu của nhân viên y tế

    Khi tắm:

  • Bác sĩ điều trị hoặc điều dưỡng chăm sóc sẽ cho bạn biết khi nào có thể tắm sau khi đặt ống mở thông
  • Kiểm tra ống thông được kẹp hay đậy nắp kín trước khi tắm
  • Nước tắm không quá nóng, tránh gây kích ứng vùng da quanh lỗ mở thông
  • Sử dụng xà phòng trung tính và khăn tắm bông mềm
https://ungthuhoc.vn/wp-content/uploads/2020/02/MTDD1-840x480.png
Băng vị trí lỗ mở thông dạ dày trên thành bụng

3. Cho ăn qua ống mở thông dạ dày – Một số điểm lưu ý

      Có hai cách cho ăn: Chia thành các bữa ăn trong ngày, mỗi bữa ăn được bơm bằng xylanh qua ống thông (Đây là cách thường áp dụng trên thực tế) hoặc cho ăn bằng truyền nhỏ giọt liên tục túi dinh dưỡng qua ống thông.

       Số lượng bữa ăn và cách thức chế biến, lựa chọn thực phẩm phù hợp cho từng thể trạng người bệnh cụ thể cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng. Nhìn chung, có thể lựa chọn thực phẩm đa dạng, chỉ hạn chể loại nhiều chất xơ và khó tiêu (rau xanh, thịt, cá, tôm, cua, gia cầm…), chế biến mềm (Bằng cách ninh nhừ, mềm, xay nhuyễn), loãng, không đòi hỏi gia vị. Theo dõi hoạt động tiêu hóa của người bệnh và điều chỉnh phù hợp. Báo bác sĩ điều trị hay điều dưỡng chăm sóc nếu có bất thường sau khi cho ăn: Đau bụng, sôi bụng, quặn bụng, tiêu chảy hay táo bón, đầy hơi, chướng bụng…

        Khi cho ăn: Khi dùng ống thông, các bệnh nhân nên ngồi ở góc 30 đến 45° trong và 1 đến 2 giờ sau ăn để giảm thiểu tỷ lệ nằm bệnh viện do bệnh viêm phổi hít phải và giúp thức ăn đi xuống theo trọng lực, thả lỏng thoải mái, không co cứng bụng (Sẽ dễ gây trào ngược dịch). Không bơm mạnh xylanh, bơm chậm rãi, tốt nhất để dung dịch chảy theo trọng lực.

4. Cách xử trí một số tình huống thường gặp

     Tắc ống thông: Khi chế biến dung dịch nuôi ăn quá đặc, chưa xay nhuyễn, hoặc vệ sinh ống thông kém, thức ăn có thể lắng đọng gây bít tắc lòng ống. Có thể thực hiện bơm rửa ống thông nếu đã được bác sĩ và nhân viên y tế hướng dẫn, nếu ống thông vẫn tắc hoặc chưa được hướng dẫn trước, báo bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc hỗ trợ.

      Chảy dịch qua lỗ mở thông dạ dày: Thường thời gian đầu sau khi đặt ống mở thông dạ dày, hiện tượng rò rỉ dịch quanh lỗ mở thông được xem là bình thường. Cần chú ý vệ sinh vùng da quanh lỗ mở đúng cách để ngăn ngừa tổn thương da cũng như nhiễm trùng. Báo bác sĩ hoặc điều dưỡng chăm sóc nếu tình trạng chảy dịch kéo dài, có máu hoặc vùng da xung quanh lỗ mở tấy đỏ, đau.

       Tiêu chảy: Một hiện tượng thường gặp với những người bệnh ăn qua ống thông dạ dày. Quan sát tình trạng phân (Có sống phân? Nhầy mũi?) và lưu ý các thực phẩm đã lựa chọn và cách chế biến bữa ăn để thông báo lại cho bác sĩ điều trị.  

        Tụt ống mở thông dạ dày: Không cố gắng đặt ống trở lại, băng vị trí lỗ mở thông, đến ngay cơ sở y tế gần nhất và báo bác sĩ điều trị hoặc điều dưỡng chăm sóc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *