Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất, nhưng liệu tất cả những gì chúng ta biết về nó có đúng không? Thực tế, nhiều người vẫn bị ảnh hưởng bởi các định kiến và hiểu lầm xung quanh ung thư, từ việc coi nó là bản án tử hình đến những phương pháp điều trị dân gian không có căn cứ. Hãy cùng làm rõ những quan niệm sai lệch về căn bệnh này.
- Ung thư là bản án tử hình, không thể chữa khỏi được?
Thực tế: Với các tiến bộ của y học hiện đại, rất nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống thêm đáng kể. Thống kê của tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy, một số loại ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư đại tràng… Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tầm soát phát hiện ung thư sớm là vô cùng quan trọng.
- Ung thư không được đụng đến dao kéo vì bệnh sẽ lan tràn nhanh và tử vong sớm hơn ?
Thực tế hoàn toàn ngược lại. Đối với đa số bệnh ung thư, phẫu thuật là phương pháp quan trọng nhất để điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Điều quan trong là phải thực hiện phẫu thuật đúng chỉ định, đúng loại ung thư, đúng giai đoạn và phải được thực hiện bởi các Bác sĩ chuyên khoa ung bướu để bảo đảm lấy được toàn bộ khối u với diện cắt an toàn và tránh rơi vãi mô ung thư trong lúc phẫu thuật.
- Bệnh ung thư có tính lây lan ?
Ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, không có lý do gì để mọi người xa lánh hay có các biện pháp phòng tránh đối với người bệnh ung thư. Ngược lại, chúng ta nên dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho bệnh nhân ung thư, để tiếp thêm niềm tin và tinh thần để họ vượt qua bệnh tật. Mặc dù bản thân ung thư không lây từ người sang người, một số loại virus có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư như: Viêm gan B hoặc C làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan, virus gây u nhú ở người (HPV) làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung…
4. Ung thư có tính di truyền ?
Khoảng 5-10% bệnh ung thư là do đột biến gene di truyền. Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, nhưng không có nghĩa là chắc chắn bị ung thư. Chế độ ăn uống, môi trường chiếm tới khoảng 80% nguyên nhân sinh ung thư bao gồm thuốc lá, rượu, bức xạ ion hoá, tia cực tím… Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được như hút thuốc, uống rượu, nhai trầu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn, không tiêm phòng viêm gan B, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời …
- Ăn uống kiêng khem quá mức hoặc nhịn ăn để loại bỏ tế bào ung thư ?
Sai lầm này khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, rút ngắn thời gian sống, đồng thời làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong. Người bệnh ung thư sẽ cần phải ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng, chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ và cân đối giữa các nhóm chất bao gồm chất béo, chất đạm, tinh bột, vitamin, nước và các khoáng chất thiết yếu.
- Ung thư không được đi đám tang ?
Phải khẳng định rằng, đi dự đám tang sẽ không bao giờ dẫn tới việc tế bào ung thư di căn hay bệnh tái phát. Cho đến nay không có cơ sở khoa học nào và không có tài liệu nghiên cứu nào cho rằng đi đám tang về thì bệnh ung thư sẽ tái phát hoặc nặng hơn.
- Hoa đu đủ đực, sừng tê giác,… một số thực phẩm chức năng chữa được ung thư ?
Hiện nay, có rất nhiều bệnh nhân sau khi phát hiện bệnh ung thư, thay vì tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ, lại tìm đến các phương pháp điều trị ung thư “ truyền miệng”, các bài thuốc dân gian trên mạng… Điều này vô cùng nguy hiểm, một là người bệnh không được điều trị kịp thời, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị bệnh, hai là có thể gây các biến chứng sức khỏe nặng nề như suy gan, suy thận… khi uống các loại thực phẩm không đảm bảo nguồn gốc, không có cơ sở khoa học.
- Ăn nhiều đường khiến khối u phát triển nhanh hơn ?
Theo viện Ung thư Quốc gia Mỹ, các tế bào ung thư tiêu thụ nhiều đường (glucose) hơn các tế bào bình thường. Tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy ăn nhiều đường hoặc các sản phẩm chứa đường (bánh ngọt, sữa, nước ngọt…) sẽ làm khối u phát triển nhanh hơn. Tương tự việc ăn ít đường cũng không làm chậm sự tăng trưởng của chúng. Dù vậy, chế độ ăn quá nhiều đường có thể dẫn tới thừa cân, béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Vì vậy, mọi người nên kiểm soát lượng đường sử dụng ở mức vừa phải.
Hiểu đúng về ung thư là chìa khóa để giảm bớt nỗi sợ hãi và đối mặt với bệnh tật một cách chủ động. Đừng để những định kiến sai lầm khiến bạn bỏ lỡ cơ hội điều trị và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Hãy tiếp tục tìm hiểu và lan tỏa thông tin khoa học chính xác về ung thư đến những người xung quanh.