Tác Giả: | BS. Trần Thị Thu Hiền |
Hiệu đính: | 1. ThS.BS. Nguyễn Viết Bình |
2. BSCKII. Nguyễn Khánh Toàn |
- Điều trị miễn dịch ung thư phổi là gì?
Điều trị miễn dịch là một trong những thành tựu mới nhất và lớn nhất trong điều trị ung thư.
Trong những năm gần đây, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ – FDA đã phê duyệt một số loại thuốc miễn dịch cho bệnh nhân ung thư phổi như: Durvalumab, Pembrolizumab, Atezolizumab. Những loại thuốc này giúp hoạt hóa hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư một cách hiệu quả hơn.
Ở Việt Nam liệu pháp miễn dịch được áp dụng rộng rãi trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hàng nghìn bệnh nhân được điều trị và hưởng lợi từ thành tựu này, kết hợp với các phương thức phẫu thuật, xạ trị, hoá trị … chữa khỏi ung thư giai đoạn sớm và kéo dài thời gian sống thêm bệnh giai đoạn di căn.
- Điều trị miễn dịch được sử dụng khi nào?
Các loại thuốc miễn dịch được biết đến là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, ức chế hoạt động của các thụ thể PDL1/PD1 hoặc CTLA4, ngăn chặn các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Thuốc miễn dịch không chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư phổi, nhưng một số người đã có kết quả tốt trong ngắn hạn và dài hạn. Bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ thảo luận về phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bệnh nhân.
U phổi giảm hết sau 3 tháng điều trị
- Tại sao thuốc miễn dịch lại gây ra tác dụng phụ?
Song song với những hiệu quả đó, việc tăng cường hệ thống miễn dịch đã dẫn đến quá mẫn với một loạt các phản ứng đáp ứng viêm hệ thống, được gọi là các biến cố bất lợi liên quan đến miễn dịch (irAE). Tỷ lệ được báo cáo của các biến cố bất lợi này qua các nghiên cứu dao động trong khoảng rất rộng, từ 15% đến 90% tuỳ loại độc tính, mức độ độc tính và không giống nhau giữa các thuốc miễn dịch và các bệnh ung thư khác nhau. Các biến cố bất lợi nặng dẫn đến ngưng điều trị hoặc tử vong thường rất thấp. Nhìn chung, hầu hết độc tính ở mức độ nhẹ và có thể kiểm soát được nếu bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm và điều trị thích hợp.
Giống như các phương pháp điều trị ung thư khác, liệu pháp miễn dịch là những loại thuốc mạnh có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể của bệnh nhân, được gọi là tác dụng phụ. Những tác dụng phụ này khác nhau ở từng bệnh nhân.
Tùy thuộc vào loại liệu pháp miễn dịch cụ thể mà bệnh nhân nhận được, loại ung thư mắc phải, vị trí của khối u, thể trạng của bệnh nhân và các yếu tố khác. Những điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị hoặc đôi khi ngay cả sau khi ngừng liệu pháp miễn dịch. Vì vậy cần trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị về quá trình điều trị miễn dịch, cũng như những dấu hiệu và triệu chứng cần theo dõi.
- Tác dụng phụ thường gặp
Các tác dụng phụ của thuốc điều trị miễn dịch khác với tác dụng phụ do hóa trị liệu hoặc liệu pháp nhắm trúng đích. Liệu pháp miễn dịch có thể gây viêm bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể, có thể dẫn đến các tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào bộ phận nào của cơ thể bị viêm mà biểu hiện sẽ khác nhau.
* Mức độ nhẹ ((hầu hết được điều trị nhẹ nhàng và thường cải thiện):
– Mệt mỏi
– Phát ban
– Đau khớp
– Tiêu chảy
Tùy nhiên cần phải báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng mới hoặc nặng lên. Nếu không được điều trị, một số tác dụng phụ có thể trở nên nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng, lúc này phải nhập viện cấp cứu. Các tác dụng phụ trên gan, thận, phổi, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết có thể diễn biến từ nhẹ đến trầm trọng.
* Mức độ nặng, thường gặp nhất: viêm phổi, viêm đại tràng
– Viêm phổi: có thể gây tử vong, xuất hiện trong giai đoạn đầu với những triệu chứng như sốt cao, ho khan hoặc ho khạc đờm, đau tức ngực kèm những hình ảnh thay đổi trên chụp CTScaner lồng ngực hoặc gia tăng tình trạng khó thở
– Viêm đại tràng: biểu hiện đau bụng và tiêu chảy không được bỏ qua vì có thể dẫn đến tử vong.
– Ngoài ra có thể gặp: Tăng đường máu, giảm bạch cầu, tăng men gan
- Nên làm gì khi gặp tác dụng phụ ?
a. Phản ứng khi truyền
Đau nhức, sưng tấy, mẩn đỏ, ngứa ngáy hoặc phát ban ở ví trí truyền thuốc. Hầu hết các triệu chứng này thường tự biến mất. Có thể dùng paracetmol hoặc thuốc kháng histamine theo đơn của Bác sĩ để giảm bớt cảm giác khó chịu và chườm lạnh.
b. Các triệu chứng giống cúm
Có thể cảm thấy: mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ và khớp. Uống paracetamol, uống nhiều nước, bổ sung hoa quả chứa nhiều vitamin C, Vitamin C, tập thể dục nhẹ nhàng.
c. Ho và khó thở
Nên nhập viện ngay khi xuất hiện triệu chứng này, nếu nhẹ thì có thể điều trị theo đơn thuốc của Bác sĩ và theo dõi thêm tại nhà
d. Buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng
Cung cấp đủ nước cần thiết cho cơ thể sẽ thúc đẩy sự thèm ăn và giảm bớt cảm giác buồn nôn. Uống từng ngụm nhỏ hoặc uống nước trà gừng. Ngậm đá bào, nước ép trái cây lạnh để tăng lượng nước và cảm giác lạnh trong miệng, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Lựa chọn thực phẩm giàu protein (thịt ức gà, thịt nạc, hải sản, đậu phụ…), nhiều calo.
e. Tiêu chảy và táo bón
Khi bị tiêu chảy. Nên uống nhiều nước. Tránh đồ uống có đường và nước hoa quả vì có thể làm rối loạn điện giải và có thể khiến cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn.
Xoa bụng hình tròn theo chiều kim đồng hồ kết hợp tập thể dục nhẹ, thậm chí chỉ với một số động tác đơn giản trên giường hoặc dựa trên ghế, có thể làm dịu tình trạng táo bón.
f. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn thì nên liên hệ với Bác sĩ và tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
- Tóm lại
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp chữa bệnh trải dài hầu hết các giai đoạn bệnh của Ung thư phổi, đem lại hy vọng và cơ hội sống còn lâu dài cũng như khả năng chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân.
Tuy vậy liệu pháp miễn dịch cũng không phải là phương pháp chữa bệnh thần kỳ. Vì cũng có những tác dụng phụ mà bệnh nhân cần lưu ý, đặc biệt là viêm đại tràng và viêm phổi. Nhưng những các tác dụng phụ nghiêm trọng lại không quá phổ biến và nếu so sánh về mặt hiệu quả với độc tính mà các thuốc điều trị miễn dịch mang lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều, đặc biệt là khi những bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn (giai đoạn tiến xa).
Mặc dù vậy, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường xuất hiện thì bệnh nhân không tự ý mua và sử dụng thuốc mà phải thông báo ngay với Bác sĩ điều trị để được tư vấn và xử lý phù hợp, tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
*Chương trình được tài trợ bởi AstraZeneca vì mục đích giáo dục y khoa