Tác Giả: | BS. Nguyễn Thị Tú Uyên |
Hiệu đính: | 1. ThS.BS. Nguyễn Viết Bình |
2. BSCKII. Nguyễn Khánh Toàn |
Định nghĩa:
Ung thư phổi là một trong các loại ung thư thường gặp nhất đồng thời cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ung thư phổi là bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành và phát triển vượt kiểm soát trong các mô của phổi, được chia thành 2 loại chính: Ung thư phổi không tế bào nhỏ và Ung thư phổi tế bào nhỏ, trong đó ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm tỷ lệ cao hơn (khoảng 80-85%)
Ung thư không tế bào nhỏ bao gồm: Ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy, ung thư biểu mô tế bào lớn và một số loại ít phổ biến hơn như: Ung thư biểu mô tuyến vảy, ung thư biểu mô sarcomatoid, ung thư biểu mô tuyến nước bọt, khối u carcinoid và ung thư biểu mô không phân loại.
Những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ
– Người hút thuốc lá và thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, nguy cơ tăng theo tỷ lệ số điếu hút trên ngày và số năm hút thuốc.
– Những người có các bệnh phổi mạn tính, tiền sử ung thư, tiền sử gia đình liên quan đến ung thư.
– Làm việc, sinh sống trong môi trường có những chất độc hại như amiăng, radon và các chất hóa học khác.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ có phòng ngừa được không ?
Không có biện pháp phòng tránh ung thư phổi tuyệt đối, tuy nhiên một số biện pháp dưới đây giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:
– Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
– Tránh, hạn chế tiếp xúc với những chất độc hại như amiăng, radon và các hóa chất gây ung thư khác.
– Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn: Có một số bằng chứng cho thấy rằng ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.
Dấu hiệu và triệu chứng
Tùy thuộc vào vị trí và mực độ lan rộng của tổn thương, trong giai đoạn đầu tổn thương còn khu trú, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và được chẩn đoán qua tầm soát hoặc phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh.
Chẩn đoán ung thư phổi:
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư phổi, đặc biệt trên những đối tượng hút thuốc lá lâu năm bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: Chụp Xquang ngực, chụp CT scaner ngực, nội soi phế quản,… Khi phát hiện các tổn thương bất thường nghi ngờ ung thư phổi, bác sỹ sẽ chỉ định sinh thiết phổi, tổn thương hạch hoặc làm xét nghiệm dịch màng phổi, dịch phế quản,… để xác định có sự hiện diện của tế bào ung thư hay không.
Điều trị:
Các phương pháp điều trị ung thư phổi bao gồm:
– Phẫu thuật
– Đốt sóng cao tần
– Hóa trị
– Xạ trị
– Điều trị nhắm trúng đích
– Điều trị miễn dịch
Nguyên tắc chung điều trị ung thư phổi là phối hợp nhiều phương pháp và cá thể hóa theo từng người bệnh, trong đó yếu tố đặc biệt quan trọng để quyết định phác đồ là giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, kết quả xét nghiệm sinh học phân tử, thể trạng bệnh nhân, bệnh lý nền phối hợp, hoàn cảnh kinh tế – xã hội và nguyện vọng của người bệnh.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ có chữa khỏi không ?
Mục tiêu điều trị tùy thuộc vào từng người bệnh và giai đoạn bệnh:
– Đối với giai đoạn sớm, khu trú tại chỗ, tại vùng (giai đoạn I, II, IIIA): Điều trị triệt căn nhằm mục tiêu chữa khỏi bệnh. Giai đoạn I và II phẫu thuật được có tiên lượng sống thêm 5 năm từ 50 – 80%. Bệnh nhân ung thư phổi sau 5 năm không tái phát bệnh có thể gọi là chữa khỏi.
– Đối với giai đoạn tiến triển tại chỗ, tại vùng hoặc tái phát di căn: Điều trị mang tính giảm nhẹ, tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân
Làm thế nào phát hiện sớm bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ để điều trị hiệu quả nhất ?
Phương pháp tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến cáo là chụp cắt lớp vi tính liều thấp. Quá trình chụp chỉ mất vài phút và không gây đau đớn. Việc tầm soát ung thư phổi có vai trò rất lớn đối với người bệnh: Tăng khả năng điều trị khỏi bệnh, giảm thiểu chi phí điều trị, kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng sống cũng như giảm tỉ lệ tử vong.
Những đối tượng cần tầm soát ung thư phổi:
– Tuổi từ 50 – 80
– Có tiền sử hút thuốc ít nhất 20 bao/năm. (Đơn vị bao/năm = (số điếu thuốc hút trung bình 1 ngày/20 × số năm hút thuốc)
– Có một trong các yếu tố nguy cơ sau: Tiếp xúc thường xuyên với người hút thuốc lá, nghề nghiệp phơi nhiễm chất phóng xạ; Tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi, lao phổi; Tiền sử có bố mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư
Tiến bộ trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn muộn
Do tính chất ác tính của bệnh, đa số các bệnh nhân ung thư phổi phát hiện và đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, thể trạng người bệnh yếu, điều này làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Gần đây, với sự tiến bộ của y học hiện đại, điều trị ung thư phổi đã có những bước tiến đáng kể, bên cạnh những phương pháp cơ bản như hoá chất và xạ trị sự xuất hiện của phương pháp điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch đã mang lại hiệu quả cao, tăng tỷ lệ đáp ứng, kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Việc dung nạp thuốc tốt cũng như tác dụng phụ ít hơn so với hóa chất giúp các thuốc điều trị nhắm trúng đích phân tử và thuốc miễn dịch có thể mở rộng chỉ định điều trị cho ngay cả những bệnh nhân có thể trạng già yếu, chỉ số hoạt động thấp.
Là bệnh viện chuyên khoa ung bướu hàng đầu của khu vực Bắc Trung bộ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An luôn tiên phong triển khai điều trị toàn diện, đa mô thức, áp dụng kỹ thuật và phương pháp tiến tiến để chẩn đoán và điều trị. Các phương pháp điều trị mới như điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi đã được Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An áp dụng thường quy từ nhiều năm. Đến nay, đã có rất nhiều người bệnh được hưởng lợi ích từ các phương pháp điều trị tiên tiến này, mang lại tiên lượng khả quan cùng chất lượng cuộc sống được cải thiện.
*Chương trình được tài trợ bởi AstraZeneca vì mục đích giáo dục y khoa