NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ RỤNG TÓC KHI ĐIỀU TRỊ UNG THƯ 

Rụng tóc là một tác dụng  phụ thường gặp của điều trị hóa chất. Có khoảng 65% bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất gặp phải tình trạng rụng tóc. Dù hoàn toàn không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, rụng tóc vẫn thực sự là một “nỗi ám ảnh” đối với nhiều người bệnh ung thư trước khi quyết định điều trị hóa chất. Đây cũng là lý do khiến không ít người bệnh từ chối hay bỏ điều trị.

Tại sao điều trị hóa chất lại gây rụng tóc?     

Thuốc hóa chất giúp tiêu diệt tế bào ung thư, thật không may, nó cũng tác động mạnh lên các tế bào khỏe mạnh bình thường của cơ thể bạn. Những tế bào phát triển càng nhanh càng nhạy cảm với hóa chất, có thể kể đến như niêm mạc miệng, niêm mạc ruột, các tế bào máu và cả những tế bào mầm ở chân tóc. Trong quá trình truyền hóa chất, các tế bào ở chân tóc bị tổn thương và chết đi, gây nên hiện tượng rụng tóc.

Có phải tất cả các bệnh nhân điều trị hóa chất đều bị rụng tóc không?

Không phải tất cả thuốc hóa chất đều gây rụng tóc. Tình trạng rụng tóc khi hóa trị sẽ khác nhau ở từng người. Mức độ rụng tóc khác nhau phụ thuộc vào loại thuốc hóa chất và liều sử dụng, phác đồ điều trị. Một số thuốc có khả năng cao gây rụng tóc như:

Khi nào thì rụng tóc?

Rụng tóc thường xuất hiện sau khi dùng hóa chất khoảng 1 – 2 tuần, nặng nhất khoảng 1 tháng sau hóa trị, người bệnh sẽ bị rụng tóc với đặc điểm rụng từng toàn bộ hoặc rụng từng mảng ở những vùng có ma sát cao khi nằm như đỉnh đầu, 2 bên tai,… Một số khác cũng có thể gây mỏng hoặc rụng lông ở mu, chân tay, lông mày hay lông mi.

Mất bao lâu để tóc mọc trở lại?

Tương tự như tình trạng rụng tóc, thời điểm tóc mọc lại cũng khác nhau ở mỗi người. Trong vòng 1 – 3 tháng sau khi kết thúc đợt hóa trị thì tóc sẽ mọc lại. Và mất 6 – 12 tháng để tóc mọc lại gần như ban đầu nếu ngừng hoàn toàn hóa trị.

Nên làm gì khi bị rụng tóc?

 – Trao đổi với bác sỹ điều trị của bạn về phác đồ hóa chất sẽ sử dụng và nguy cơ rụng tóc của nó. Điều này giúp bạn có thể chuẩn bị tâm lý tốt hơn để đối mặt.

– Một số lưu ý khi chăm sóc tóc trong quá trình điều trị:

+ Lựa chọn dầu gội đầu ít kích ứng, như loại dành cho trẻ em

+ Số lần gội đầu vừa đủ để cảm thấy thoải mái, không nên gội đầu quá nhiều và động tác quá mạnh

+ Để tóc khô tự nhiên, không sử dụng máy sấy tóc

+ Dùng lược mềm, răng thưa để tránh gây tổn thương tóc

+ Tránh các tác động thêm vào tóc như uốn, ép, nhuộm tóc trong quá trình điều trị

– Để hạn chế ảnh hưởng tâm lý do rụng tóc, bác sỹ có thể động viên một số bệnh nhân có nguy cơ rụng tóc cao chủ động cắt tóc ngắn, thậm chí cạo trọc và sử dụng tóc giả trước khi bắt đầu điều trị, bạn có thể cân nhắc lựa chọn cách này nếu cảm thấy phù hợp và nó giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

– Khi đã rụng tóc, bạn đừng quên chú ý chăm sóc da đầu, điều này rất quan trọng để tóc có thể phục hồi sau điều trị:

+ Bảo vệ da đầu bằng kem chống nắng hay đội mũ khi ra ngoài trời

+ Xoa bóp, mát xa nhẹ nhàng da đầu hàng ngày giúp giảm cảm giác tê bì, dị cảm sau khi rụng tóc

– Một vài tuần sau khi kết thúc điều trị, tóc của bạn sẽ bắt đầu mọc trở lại, một số lưu ý trong thời gian này:

+ Tóc lúc này có thể thay đổi so với ban đầu (màu sắc, xoăn…)

+ Hạn chế số lần gội đầu, 2 lần/tuần có thể phù hợp thời điểm này

+ Xoa bóp nhẹ nhàng da đầu để loại bỏ lớp da khô bong vảy

+ Không uốn, ép, sấy hay nhuộm tóc ít nhất 1 năm sau điều trị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *