Những điều cần biết về nội soi phế quản

Kỹ thuật chẩn đoán: Nội soi phế quản là một thủ thuật dùng để chẩn đoán và khám xét bệnh lý của đường dẫn khí vào phổi. Thủ thuật này cho phép thầy thuốc có thể quan sát vào bên trong phổi của người bệnh bằng cách dùng một ống soi phế quản. Đây là một ống mềm, làm bằng sợi thủy tinh, có đường kính khoảng 3 đến 6mm (chỉ bằng cây bút chì) được đưa qua mũi hoặc miệng vào khí quản và xuống các đường dẫn khí nhỏ hơn

 

Có nhiều lý do để thầy thuốc phải soi phế quản cho người bệnh. Có thể kể ra đây một số chỉ định cụ thể như: có các  dấu hiệu bất thường khi chụp X- quang hoặc CT phổi nghi ngờ ung thư phổi; ho ra máu, ho kéo dài không đáp ứng với điều trị thông thường; có hạch cổ hoặc hạch thượng đòn, hít hoặc sặc phải dị vật (như hạt sapuchê, viên bi, xương cá…).

Cần chuẩn bị gì khi phải nội soi phế quản.

Thầy thuốc sẽ phải khám xét người bệnh cẩn thận trước khi hẹn nội soi phế quản, nhằm xem lại sức khỏe của người bệnh có chịu đựng cuộc nội soi hay không, chỉ định nội soi có hợp lý không… Thầy thuốc còn phải xem lại tất cả các thuốc mà người bệnh đang sử dụng. Có một số thuốc có thể làm tăng khả năng chảy máu như thuốc kháng đông, thuốc giảm đau (aspirin, ipuprofen…). Thầy thuốc sẽ cho người bệnh làm các xét nghiệm trước khi soi: phim X- quang phổi thẳng và nghiêng, phim CT nếu có thể, xét nghiệm đàm, thời gian máu chảy – máu đông…

Những yêu cầu đối với người bệnh:

Người bệnh phải nhịn đói ít nhất từ 4 đến 6 giờ trước khi soi, thậm chí không uống nước, nếu phải uống nước chỉ nên uống một cốc nhỏ, mục đích để bao tử trống, nhằm tránh ói khi soi.

Nếu người bệnh đang điều trị ngoại trú, phải đem theo các xét nghiệm vừa kể ở trên (X- quang, CT, xét nghiệm máu, xét nghiệm đàm…). Có người thân đi cùng.

Nội soi phế quản được tiến hành ra sao?

Trước khi tiến hành nội soi phế quản, người bệnh sẽ được chích thuốc nhằm thư giãn và giảm ho. Người điều dưỡng hoặc thầy thuốc sẽ đo lại mạch, huyết áp của người bệnh. Người bệnh sẽ được nối với một máy theo dõi tình trạng oxy máu và mạch, có thể sẽ được thở oxy trong suốt quá trình soi. Thầy thuốc sẽ đưa ống soi qua mũi hoặc miệng bệnh nhân, xuống họng đến thanh môn và vào trong khí – phế quản.

Khi ống soi đến thanh môn, đôi khi người bệnh cảm thấy như bị nghẹt thở hoặc ho sặc sụa, tuy nhiên cảm giác này sẽ thoáng qua rất nhanh, thầy thuốc sẽ làm giảm hoặc mất rất nhanh cảm giác này bằng cách bơm các thuốc gây tê qua ống soi vào trong đường dẫn khí. Người bệnh nên cố gắng giữ nhịp thở thật chậm và thật sâu, có thể ho mạnh, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh và hợp tác với thầy thuốc. Trong suốt quá trình soi, người bệnh không nên hốt hoảng, nói chuyện hoặc nuốt nước bọt, có thể để nước bọt chảy tự nhiên ra miệng, người điều dưỡng sẽ lau miệng cho bệnh nhân.

Khi thầy thuốc tiến hành các biện pháp lấy mẩu bệnh phẩm, bệnh nhân có một số cảm giác khó chịu nhất định như: muốn ho sặc khi rửa phế quản, đau nhói khi chải hoặc sinh thiết phế quản… Tuy nhiên cảm giác này sẽ qua  nhanh.

Nội soi phế quản có tai biến?

Nội soi phế quản được xem như là một thủ thuật chẩn đoán rất an toàn,  tuy nhiên,  cũng có thể gây ra một số tai biến như: chảy máu tại nơi sinh thiết, tràn khí màng phổi (gây ngộp thở), khàn tiếng sau soi, sốt sau soi… Tuyệt đại đa số các trường hợp tai biến xảy ra nhẹ. Tỉ lệ tử vong do soi phế quản khoảng 1/10.000 đến 1/20.000.

Vì vậy, trước khi tiến hành nội soi, bệnh nhân hoặc người nhà  sẽ được yêu cầu viết giấy cam kết đồng ý cho tiến hành nội soi theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Vài hiện tượng thường gặp sau nội soi phế quản

Khi kết thúc nội soi, người bệnh sẽ được theo dõi thêm một thời gian nữa, người bệnh nên nói cho thầy thuốc biết nếu thấy còn đau ngực, khó thở hoặc ho ra máu nhiều. Thông thường người bệnh sẽ ho khạc đàm vướng máu 2 đến 3 ngày sau soi. Cảm giác cứng ở họng cũng thường thấy, nhưng nó sẽ biến mất sau khoảng nửa giờ. Người bệnh chỉ nên ăn uống bình thường trở lại sau khi soi 2 giờ. Nếu có các vấn đề bất thường hoặc thắc mắc sau khi soi, người bệnh nên liên hệ với thầy thuốc  ngay để được tham vấn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *