Những điều cần biết về chuẩn bị bệnh nhân trước mổ

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là bệnh viện chuyên khoa Ung bướu của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là bệnh viện chịu trách nhiệm phòng, chữa bệnh ung bướu cho nhân dân các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (gồm các tỉnh: Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa). Bệnh viện chính thức đi vào hoạt động ngày 8/8/2011. Từ khi thành lập và hoạt động đến nay, Bệnh viện không chỉ thực hiện chức năng chuyên môn là khám, phát hiện, sàng lọc sớm các bệnh lý Ung bướu, mà còn rất chú trọng trong hoạt động điều trị nội khoa và ngoại khoa và sắp tới đây nữa là xạ trị. Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, mỗi năm tiến hành khoảng hơn 4000 ca phẫu thuật, có các ca phẫu thuật khó, chỉ thực hiện được ở các tuyến Trung ương. Để cuộc phẫu thuật thành công cần phải chuẩn bị chu đáo tinh thần và thể chất của bệnh nhân. Mặt khác phẫu thuật cũng có thể gây ra những biến chứng, do vậy phải biết đề phòng và điều trị kịp thời những biến chứng sau mổ. Vì vậy không thể thiếu vai trò của công việc chuẩn bị bệnh nhân trước mổ. Công việc này được thể hiện bởi một ê-kíp: Bác sĩ điều trị, phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, điều dưỡng viên…Trong đó công tác chuẩn bị người bệnh trước mổ đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng đối với một cuộc mổ. Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ để đạt hai tiêu chí an toàn và hiệu quả nhằm:

  • Tránh những sai sót y khoa, những biến chứng trước, trong và sau mổ.
  • Nâng cao tổng trạng giúp bệnh nhân phục hồi tốt sau mổ.

Quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước mổ

 1. Phẫu thuật viên khám bệnh và giải thích cho bệnh nhân, thân nhân tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật, các bước chuẩn bị, các nguy cơ có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà ký cam kết mổ.

2. Bác sỹ gây mê khám tiền mê, quyết định phương pháp vô cảm cho cuộc mổ.

3. Vệ sinh: điều dưỡng hướng dẫn người nhà tắm gội, cắt móng tay, chân, tháo bỏ nữ trang, răng giả, kính áp tròng… cho bệnh nhân.

4. Phẫu thuật viên khám và đánh dấu vị trí phẫu thuật, sau đó điều dưỡng khoa vệ sinh vùng mổ bằng xà phòng diệt khuẩn.

5. Đối với bệnh nhân nữ nếu đang có kinh nguyệt phải báo điều dưỡng hoặc bác sỹ phẫu thuật.

6.Bệnh nhân mặc trang phục bệnh viện gọn gàng, sạch sẽ, không mặc đồ lót ở trong. Nếu tóc dài phải cột hoặc tết tóc gọn gàng.

7. Điều dưỡng hướng dẫn bệnh nhân chế độ ăn uống phù hợp từng loại phẫu thuật.

   Để cuộc mổ an toàn tránh những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình Gây mê và Phẫu thuật. Bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý và tuyệt đối thực hiện theo dặn dò của bác sỹ liên quan đến việc ăn uống.

    Mục đích trong việc từ chối không cho thức ăn qua đường miệng trước cuộc mổ là để ngăn ngừa sự trào ngược. Sự trào ngược xảy ra khi thức ăn hoặc dịch bị trào từ dạ dày và bị hít  ngược vào phổi. Những chất bị hít ngược như là một vật thể lạ sẽ gây kích thích và gây nên một phản ứng viêm nhiễm, đồng thời trong quá trình mổ sẽ gây ra những ngăn chặn đường trao đổi khí một cách đáng kể.

Vì vậy, để ngăn ngừa sự hít ngược, việc cho bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn uống trước mổ là điều hết sức cần thiết.

Thời gian nhịn ăn uống tối thiểu trước mổ

Áp dụng cho người bệnh khỏe mạnh, mổ theo chương trình, ở mọi lứa tuổi.

LOẠI THỨC ĂN THỜI GIAN

TỐI THIỂU PHẢI NHỊN TRƯỚC MỔ

Chất lỏng sạch Nước lọc, nước trà, cà phê, nước hoa quả không có ga. Trước 3 giờ
Sữa mẹ Trước 4 giờ
Sữa Sữa đặc, sữa tươi các loại: sữa động vật có thời gian tiêu hóa giống như thức ăn rắn. Trước 8 giờ
Ăn no (bữa chính) Cơm, phở, bún, cháo đặc, thức ăn chiên xào có chất béo.
Ăn nhẹ Bánh mì, bánh bao, cháo loãng, súp. Trước 6 giờ

Chú ý:

  • Không tự uống bất kỳ loại thuốc gì bệnh nhân mang theo. Nếu cần phải uống thuốc, phẫu thuật viên sẽ cho y lệnh và bệnh nhân chỉ được uống với một ngụm nước nhỏ.
  • Các tình huống đặc biệt sẽ được Bác sĩ chuyên khoa Gây mê Hồi sức tư vấn thêm.

8. Điều dưỡng hoàn thiện hồ sơ bệnh án, các thủ tục hành chính, đánh giá tổng trạng, dấu hiệu sinh tồn.

9. Điều dưỡng mang thẻ cho bệnh nhân, trên thẻ ghi đầy đủ các thông tin: Họ tên bệnh nhân, giới tính, số hồ sơ, khoa, phòng, chẩn đoán trước mổ, vị trí mổ, phẫu thuật viên, ngày mổ.

10. Bàn giao người bệnh:

  • Bàn giao trực tiếp tại phòng chờ của khoa Gây mê hồi sức giữa điều dưỡng khoa điều dưỡng hồi tỉnh cúa khoa Gây mê theo bảng kiểm an toàn trong phẫu thuật.
  • Bàn giao thuốc kháng sinh trước mổ, dịch truyền, máu (nếu có).
  • Điều dưỡng khoa Gây mê hồi sức ký nhận vào bảng kiểm an toàn trong phẫu thuật và sổ chuyển bệnh.
  • Điều dưỡng hướng dẫn người nhà bệnh nhân chờ tại khu vực phía ngoài, cách ly với khu phẫu thuật.Kết luận

   Chuẩn bị trước mổ là một khâu cực kỳ quan trọng. Đây là thời điểm mà bệnh nhân có thể được chuẩn bị tốt về thể chất và tinh thần cho một cuộc phẫu thuật, nhằm tối ưu hóa các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, giúp bệnh nhân thoải mái và hài lòng, tạo tâm lý ổn định cho bệnh nhân trước ca mổ. Trong thời gian này, bất cứ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến nguy cơ gây mê hoặc phẫu thuật có thể được xác định nhằm giảm thiểu sự chậm trễ phẫu thuật, ngăn ngừa các biến chứng và tử vong. Vì vậy đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ từ các bộ phận liên quan.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *