Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ ung thư phổi – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

Hãy đến với Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh UNG THƯ PHỔI sau đây.

1. Thuốc lá:

Hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc ung thư phổi

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị UNG THƯ PHỔI cao gấp 10 lần so với những người không hút, đặc biệt những người hút trên 1 bao thuốc 1 ngày thì nguy cơ tăng lên 15 – 20 lần. Trong khói thuốc lá dòng chính không lọc được xác định là có khoảng trên 4700 chất hóa học và theo tổ chức nghiên cứu UT quốc tế trong khói thuốc lá có 78 chất gây UT khác nhau, đặc biệt chứa hydro cacbon thơm 3-4 benzopyren (0,5 mcg/điếu). Các tác nhân ung thư trong khói thuốc lá tương tác với các DNA và thúc đẩy các đột biến gen trong tế bào phổi dẫn đến hình thành ung thư. Nguy cơ mắc tăng theo số lượng thuốc hút trong mỗi ngày, số năm hút thuốc, tuổi bắt đầu hút, độ sâu khi hút. Nguy cơ bắt đầu giảm trong vòng 2 – 3 năm đầu sau khi bỏ thuốc và giảm đều đặn trong 10 năm sau đó. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc UNG THƯ PHỔI với chỉ số nguy cơ tương đối khoảng từ 1,2 đến 1,5

 

Hút thuốc lá thụ động nguy cơ mắc ung thư phổi cũng rất cao

2. Tuổi:

Ở cả hai giới, tỉ lệ mắc UNG THƯ PHỔI bắt đầu tăng dần ở lứa tuổi sau 40. Phần lớn Ung Thư phổi được chẩn đoán ở tuổi 35 – 75, đỉnh cao ở lứa tuổi 55 – 65.

3. Yếu tố rủi ro môi trường:

+ Ô nhiễm môi trường: do những chất thải công nghiệp, chất thải từ động cơ ô tô, xe máy xả vào không khí, chất đốt trong gia đình như bếp ga, than củi, các chất phóng xạ 

+ Một số chất hóa học: Arsen, amiang, Radon, Chloromethyl methyl ete, Bis chloromethyl ether, crom, nikel… làm tăng nguy cơ mắc Ung thư phổi

 

4. Bệnh lý mạn tính ở phổi:

Các nốt vôi hóa, các sẹo cũ, tổn thương lao, các viêm phế quản mạn có dị sản dạng biểu bì.

5. Yếu tố gen trong Ung thư phổi: 

Yếu tố gen trong Ung thư phổi TBN và KTBN khác nhau về các đặc trưng hình thái, phương pháp điều trị và tiên lượng. Sự khác nhau này có liên quan đến những khác nhau về phân tử giữa các kiểu mô bệnh học, gồm cả những gen có ảnh hưởng đến chu kỳ tế bào. Người ta đã thấy những biến đổi về hình thái ở trên có bằng chứng thay đổi về di truyền cả trong các tổn thương tiền ác tính và ung thư xâm nhập. Những bất thường di truyền được tích lũy tăng dần theo mức độ loạn sản và ung thư. Tuy nhiên, đột biến liên quan đến một gen duy nhất nói chung là không đủ để gây ung thư. Đột biến trong ung thư được tìm thấy ảnh hưởng đến 10-20 gen khác nhau. Những thay đổi di truyền thúc đẩy chuyển đổi ác tính trong nhiều cách khác nhau, bao gồm tăng cường phát triển tế bào bằng kích hoạt gen gây ung thư, bất hoạt các gen ức chế khối u, ức chế quá trình apoptosis, sửa chữa DNA bị thay đổi dẫn đến sự bất tử của tế bào u và thúc đẩy sự hình thành mạch

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *