Nguy cơ mắc các loại ung thư do thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% tổng số các loại ung thư ở người, bao gồm ung thư phổi, thanh quản, thực quản, dạ dày, khoang miệng, vòm họng, thận, bàng quang, tụy, gan, đại trực tràng, dạ dày và cổ tử cung. Riêng đối với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% các trường hợp mắc. Nam giới từng hút thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 25 lần và có nguy cơ ung thư thanh quản gấp 13 lần so với người không hút thuốc lá.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), trong khói thuốc lá có khoảng gần 7.000 hợp chất hóa học, trong đó có ít nhất 69 hóa chất gây ung thư gồm 11 chất hóa học xếp vào nhóm 1 (là nhóm các chất đã được chứng minh chắc chắn gây ung thư ở người) ; 7 chất hóa học xếp nhóm 2A (là nhóm các chất có thể gây ung thư ở người và 49 chất hóa học xếp nhóm 2B – (Gây ung thư ở động vật và có thể gây ung thư ở người). Mười một chất độc nhóm 1 bao gồm: Benzen, Ethylen Oxit, Vinyl Chloride, Asenic, Beryllium, Nickel, Chrominum, Cadmium, Polonium-210, 2-Naphthylamine, 4-Aminobiphenyl.
Các chất độc này và sản phẩm chuyển hóa của nó trong cơ thể người có thể gây ung thư theo nhiều cơ chế khác nhau như: gắn vào bộ gen và gây ra các đột biến gen ung thư; gắn lên màng tế bào và gây rối loạn quá trình phát triển của tế bào; hoặc gây viêm mạn tính dẫn đến quá trình tăng sinh mạch máu bất thường và phát triển thành ung thư.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2015, 11,5% các trường hợp tử vong trên thế giới có liên quan đến thuốc lá, trong đó nam giới chiếm 75%. Tỷ lệ hút thuốc lá trên thế giới là 25% ở nam giới và 5,4% ở nữ giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá chung ở cả 2 giới là 22,5%, trong đó ở nam giới là 45,3% và nữ giới là 1,1%.

Hút thuốc lá ở người tuổi càng trẻ, thời gian hút càng dài và số lượng thuốc lá hút trong một ngày càng nhiều thị càng có nguy cơ mắc ung thư cao. Khoảng 50% những người hiện đang hút thuốc lá sẽ tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Trung bình, những người hút thuốc lá sẽ làm giảm 10 năm tuổi thọ so với người không hút thuốc. Đối với những người hút thuốc lá ở độ tuổi trung niên (từ 35-69 tuổi), sẽ bị giảm khoảng 20 năm tuổi thọ.
Ngoài ra, có khoảng 67% những người sử dụng rượu có hút thuốc lá. Uống rượu gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, khiến tế bào nhạy cảm hơn với các chất gây ung thư. Do vậy, hút thuốc lá và uống rượu sẽ gây nguy cơ cộng hưởng, gây ung thư đường tiêu hóa trên (khoang miệng, hạ họng, thực quản) và ung thư gan. Đối với người nhiễm các loại virus viêm gan có hút thuốc lá, tỷ lệ mắc ung thư gan cũng cao hơn nhóm người ko hút thuốc ít nhất 1,5 lần.
Bỏ hút thuốc lá càng sớm, nguy cơ ung thư sẽ càng giảm, đặc biệt là bỏ thuốc trước 35 tuổi. Sau 5 năm ngừng hút thuốc thì nguy cơ bị ung thư phổi giảm 50%, sau 10 năm ngừng hút thuốc thì nguy cơ còn không đáng kể và gần như người không hút. Ngược lại, nếu tiếp tục hút thuốc sau khi chẩn đoán sẽ làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị, tăng khả năng tái phát và nguy cơ xuất hiện ung thư thứ phát. Tương tự, tuổi thọ của những người bỏ thuốc lá sớm cũng sẽ tăng so với người tiếp tục hút thuốc, cụ thể nếu bỏ thuốc ở tuổi 30, 40, 50, 69 sẽ tăng lần lượt 10, 9, 6, 3 năm tuổi thọ.

Ở Việt Nam, hút thuốc lào  cũng là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư phổi và ăn trầu thuốc là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư khoang miệng. Hút xì gà cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khoang miệng. Đối với thuốc lá điện tử, mặc dù chưa có các bẳng chứng về việc gây ung thư, tuy nhiên đã có nghiên cứu chứng minh hút thuốc lá điện tử có thể gây ra những tổn thương trên bộ gen của người.
Những người không hút thuốc nhưng sống cùng với người hút thuốc và hít phải khói thuốc lá thì cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến hút thuôc lá như chính người hút, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Đây được gọi là hút thuốc thụ động. Hút thuốc lá thụ động và thuốc lá không khói cũng đã được chứng minh là nguyên nhân gây ung thư. Dòng khói phụ từ đầu điếu thuốc lá cháy có chứa các chất độc gây ung thư còn nhiều hơn dòng khói chính do người hút hít vào trong phổi của mình. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng nhạy cảm đặc biệt với thuốc lá. Người mẹ hít phải nhiều khói thuốc lá trong thời kỳ mang thai dễ bị sẩy thai, con sinh ra thường thiếu cân, kém thông minh. Trẻ em hít phải khói thuốc theo cách này cũng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hỗ hấp dưới, hen phế quản, viêm tai giữa, ảnh hưởng tới cơ tim và một số bệnh đường ruột, thậm chí là Hội chứng đôt tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Mặt khác, sống cùng với người hút thuốc, trẻ em thường bắt chước và dễ trở thành người nghiện thuốc lá sau này.
Vì vậy bỏ thuốc lá không những tốt cho sức khỏe của chính người hút mà còn là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng.

Nguồn: Bệnh viện K

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *