Người Việt hàng Việt

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính….


Từ các phân khúc cao, phân khúc trung bình cho đến phân khúc thấp; từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ cho đến cửa hàng lớn, siêu thị; từ thành phố lớn cho đến nông thôn đều không thoát khỏi tình trạng hàng giả, hàng nhái hoành hành.
Lợi dụng tâm lý phần đông người tiêu dùng Việt là lựa chọn mua hàng dựa trên giá cả, giá càng rẻ càng chuộng nên hàng giả, hàng nhái càng có cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả đó là ngay cả những mặt hàng giá đúng cũng rất dễ là hàng giả.
Việc mua nhầm hàng giả, hàng nhái không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là những mặt hàng như thực phẩm, thuốc chữa bệnh…

Bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình bạn

Nhằm thiết thực hưởng ứng phong trào ưu tiên hàng Việt theo chủ trương chỉ đạo Công văn Số 1473/ SYT-TTR của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hàng hóa giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam”, phòng QLCL Bv & CTXH tuyên truyền đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức trong Bệnh viện không bao che, tiếp tay cho các hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa, vận động người dân công khai các hành vi vi phạm để mọi người được biết và cảnh giác, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” chính hãng, có xuất xứ rõ ràng.
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là vận động hết thảy mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Cuộc vận động được tổ chức và triển khai với mục đích nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nội dung Cuộc vận động rộng lớn về không gian, thời gian và đối tượng, mà cụ thể là toàn dân Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước, từ người tiêu dùng đến người sản xuất, từ chủ doanh nghiệp đến người công nhân, nông dân, trí thức và học sinh, từ người già đến người trẻ… từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo…
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, góp phần nâng cao ý thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa nội địa. Ðồng thời, là thời cơ thuận lợi cho các doanh nghiệp khẳng định năng lực, bản lĩnh của mình, xác định cụ thể nhiệm vụ, mục tiêu sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao uy tín sản phẩm, tạo dựng và giữ vững thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Cuộc vận động có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần ổn định chính trị – xã hội.
Ðể cuộc vận động đạt kết quả tốt, thu hút sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi, tích cực các cá nhân, tổ chức nói chung và nhân viên y tế nói riêng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; các cơ quan, đơn vị và tổ chức sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm, trang bị phương tiện làm việc, hoạt động; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với hàng hoá, dịch vụ làm ra; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *