Người không hút thuốc vẫn có thể bị ung thư phổi – Vì sao?

Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, khi nghe tin ai đó bị ung thư phổi, bạn có thể nghĩ rằng họ là người hút thuốc. Nhưng sự thật không chỉ có vậy, thực tế là bạn có thể mắc bệnh ngay cả khi chưa bao giờ chạm đến điếu thuốc nào. Có nhiều lý do vì sao điều này có thể xảy ra, nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ cho mình.

1. Ung thư phổi không còn là “căn bệnh của người hút thuốc”

– Số liệu thống kê trên thế giới: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society, ACS), khoảng 10-25% trường hợp ung thư phổi xảy ra ở những người chưa từng hút thuốc. Đặc biệt tại Châu Á, tỉ lệ ung thư phổi ở người không hút thuốc còn cao hơn, nhất là ở nữ giới. Một nghiên cứu tại Đông Á cho thấy, có đến 40-60% phụ nữ mắc ung thư phổi chưa từng hút thuốc (Mok TS et al., Lancet Oncol. 2022).

– Tại Việt Nam: Hiện chưa có số liệu thống kê quốc gia chính thức. Tuy nhiên, các bác sĩ tại các bệnh viện lớn đều ghi nhận số lượng bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc đang ngày càng gia tăng, trong đó nhiều người trẻ tuổi hoặc nữ giới.

Nói cách khác, không hút thuốc lá không có nghĩa là hoàn toàn “miễn nhiễm” với ung thư phổi.

2. Những nguyên nhân khiến người không hút thuốc vẫn bị ung thư phổi

2.1 Khói thuốc lá thụ động (Second-hand smoke)

– Khói thuốc lá thụ động là khói do người hút thuốc thở ra hoặc khói bốc ra từ đầu điếu thuốc.

– Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi thêm 20-30% so với người không tiếp xúc (WHO, 2022). Năm 2020, WHO ước tính có hơn 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới liên quan đến hút thuốc lá thụ động. Điều đáng sợ là không có mức độ an toàn nào đối với việc hít phải khói thuốc lá. Chỉ cần tiếp xúc ít cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Ảnh minh họa Khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10 m

2.2 Ô nhiễm không khí

– Bụi mịn (PM2.5), khí thải công nghiệp, khí thải xe cộ chứa nhiều chất độc hại, có thể đi sâu vào phổi, gây viêm, tổn thương DNA tế bào phổi.

– WHO xếp ô nhiễm không khí ngoài trời vào nhóm chất sinh ung thư nhóm 1, tức là chắc chắn gây ung thư ở người. Nghiên cứu năm 2022 cho thấy ô nhiễm không khí liên quan tới 14% ca tử vong do ung thư phổi toàn cầu. Ô nhiễm không khí ngày càng trở thành “thủ phạm thầm lặng” trong ung thư phổi, nhất là ở các đô thị lớn.

2.3 Chất phóng xạ Radon

– Radon là khí phóng xạ tự nhiên, sinh ra từ sự phân rã uranium trong đất, đá. Ở Mỹ, radon là nguyên nhân đứng thứ hai gây ung thư phổi sau hút thuốc, chiếm khoảng 10% ca ung thư phổi (EPA, 2023).

– Khí radon tích tụ trong không khí, đặc biệt trong các tầng hầm hoặc nhà xây kín, không thông gió tốt. Tổ chức WHO khuyến cáo kiểm tra mức radon trong nhà, nhất là tại các khu vực có nền địa chất giàu uranium.

2.4 Tiếp xúc nghề nghiệp

Nhiều chất trong môi trường lao động có khả năng gây ung thư phổi, ví dụ:

– Amiăng (asbestos): tăng nguy cơ ung thư phổi gấp 3-5 lần.

– Bụi silica, bụi than, arsenic, nickel, chromium, khí thải diesel.

– Nguy cơ càng cao khi vừa phơi nhiễm chất độc nghề nghiệp, vừa hút thuốc.

Tại Việt Nam, một số nghề như thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ cơ khí, công nhân hóa chất… vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ này.

2.5 Yếu tố di truyền và đột biến gen

Một phần không nhỏ ung thư phổi ở người không hút thuốc có liên quan tới đột biến gen:

– Người không hút thuốc thường bị ung thư phổi tuyến (adenocarcinoma) – loại ung thư phổi phổ biến nhất ở nhóm không hút thuốc.Tại châu Á, đột biến EGFR (Epidermal Growth Factor Receptor) gặp ở 30-60% ung thư phổi tuyến, cao hơn nhiều so với các nước phương Tây.

– Các gen khác cũng liên quan: ALK, ROS1, RET, HER2, BRAF…

– Đột biến gen khiến tế bào phổi tăng sinh bất thường dù không chịu tác động của khói thuốc.

Vì thế, nhiều bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc lại có kết quả xét nghiệm dương tính với các đột biến gen, mở ra hy vọng điều trị nhắm trúng đích (targeted therapy) rất hiệu quả.

2.6 Bệnh phổi mạn tính và sẹo phổi

Những bệnh lý gây tổn thương phổi mạn tính như:

– Lao phổi

– Viêm phổi kẽ

– Xơ phổi

– Các mô sẹo lâu năm có thể biến đổi thành ung thư phổi. Đây gọi là cancer scar hypothesis – giả thuyết “ung thư trên nền sẹo”.

Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu thường rất ít biểu hiện cho người bệnh biết. Hầu hết, các dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi xuất hiện ở giai đoạn muộn. Những triệu chứng ung thư phổi ở người không hút thuốc lá tương tự với người hút thuốc lá như khó chịu hoặc đau ở ngực, ho không giảm hoặc nặng dần theo thời gian, khó thở, thở khò khè, có máu trong đờm, khàn tiếng, khó nuốt, ăn không ngon, sụt cân không có lý do, cảm thấy rất mệt mỏi, viêm hoặc tắc nghẽn trong phổi, hạch sưng hoặc phì đại ở trong ngực hoặc vùng giữa 2 phổi.

Ảnh minh họa Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu thường rất ít biểu hiện cho người bệnh biết. 

  Để phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư phổi, mọi người cần:

– Tránh khói thuốc lá: không hút thuốc, không để người khác hút gần mình.

– Cải thiện không khí sống: mở cửa thông gió, dùng máy lọc không khí, tránh khói bụi.

– Kiểm tra mức radon: nhất là tại các khu vực có nguy cơ địa chất.

– Bảo hộ lao động: dùng khẩu trang, trang phục bảo hộ nếu làm nghề nguy cơ cao.

– Khám sức khỏe định kỳ: đặc biệt nếu có yếu tố nguy cơ hoặc triệu chứng hô hấp không giải thích được.

– Tầm soát ung thư phổi: ở các đối tượng nguy cơ cao, theo khuyến cáo của bác sĩ.

Nguồn tham khảo

– American Cancer Society. Lung Cancer in Non-Smokers. 2023.

– World Health Organization. Air Pollution and Cancer. 2022.

– National Cancer Institute. Radon and Cancer Risk. 2023.

– Siegel RL et al. Cancer Statistics, 2024. CA Cancer J Clin. 2024.

– Mok TS et al. EGFR mutations in non-smoking lung cancer. Lancet Oncol. 2022.

– Environmental Protection Agency (EPA). Radon and Cancer Risk. 2023.

Tác giả: Bs. Trương Khánh Hùng – Khoa Nội 2 – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *