Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2025, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” với mục tiêu nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá không có hại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong giới trẻ. WHO kêu gọi các nước cùng chung tay thực hiện Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không Thuốc lá 31/5 năm 2025 vì một tương lai khỏe mạnh hơn.
Mỗi năm, tại Việt Nam, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 104.000 người – tương đương với gần 300 người tử vong mỗi ngày. Điều đáng nói, không chỉ người hút thuốc mà ngay cả phụ nữ mang thai, trẻ em và người già – những người không hút thuốc – cũng trở thành nạn nhân của khói thuốc thụ động.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 – 31/5/2025, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An kêu gọi sự chung tay xây dựng môi trường khám chữa bệnh trong lành, an toàn, nhân văn – vì sức khỏe của người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Thuốc lá – “Kẻ sát nhân” âm thầm gây ra ung thư
Là bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối trong lĩnh vực ung bướu khu vực Bắc Trung Bộ, chúng tôi chứng kiến hàng ngày tác hại khôn lường mà thuốc lá gây ra.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Theo thống kê của GLOBOCAN, năm 2022, Việt Nam ghi nhận gần 25.000 ca ung thư phổi mới và 22.500 ca tử vong do căn bệnh này. Trong đó, hơn 90% số ca mắc liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc lá. Ngoài ung thư phổi, khói thuốc còn là tác nhân gây ra hàng loạt bệnh ung thư nguy hiểm khác như: ung thư thanh quản, khoang miệng, thực quản; ung thư bàng quang, thận, tụy; ung thư cổ tử cung.
Khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có ít nhất 69 chất được xác định là gây ung thư, chính vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất thế kỷ 21.
Hiện nay, ngoài thuốc lá điếu thông thường, các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, túi Nicotine được tiếp thị rầm rộ với những lời quảng cáo như: “giảm hại”, “ít độc hại hơn”, “giúp cai nghiện”… Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, hiểu nhầm rằng chúng an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống. Thực tế, thuốc lá – dưới bất kỳ hình thức nào – đều gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Từ thuốc lá điếu truyền thống đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện, tổn thương phổi và làm tăng nguy cơ ung thư.
Hút thuốc thụ động – Mối hiểm họa vô hình
Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn đe dọa trực tiếp sức khỏe của những người xung quanh. Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) xảy ra khi người không hút thuốc vô tình hít phải khói từ người khác đang hút. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 18.800 ca tử vong liên quan đến hút thuốc thụ động.
Không có mức độ “an toàn” nào khi tiếp xúc với khói thuốc – dù chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây hại. Đặc biệt, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em:
• Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc dễ bị sảy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
• Trẻ em sống trong môi trường có khói thuốc có nguy cơ cao mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa và chậm phát triển trí tuệ.
Do đó, mỗi cá nhân không chỉ có trách nhiệm chăm lo cho sức khỏe của chính mình, mà còn cần ý thức bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng
Thuốc lá – Gánh nặng kinh tế nghiêm trọng
Theo Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, thuốc lá gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia hơn 108.000 tỷ đồng mỗi năm, bao gồm:
• Chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá
• Tổn thất năng suất lao động
• Mất mát do tử vong sớm
Trong khi đó, nguồn thu từ thuế thuốc lá chỉ đạt khoảng 17.600 tỷ đồng/năm – chưa bằng 1/5 so với chi phí thiệt hại mà thuốc lá gây ra. Những con số này cho thấy rõ, thuốc lá không chỉ là vấn đề y tế mà còn là gánh nặng kinh tế lớn đối với cả cá nhân, gia đình và quốc gia.
Ngành Y tế – Tiên phong trong phòng chống tác hại thuốc lá
Ngành Y tế đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việc triển khai mô hình “Bệnh viện không khói thuốc” không chỉ là yêu cầu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012) mà còn là tiêu chí quan trọng để xây dựng hệ thống y tế an toàn và hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở y tế cần phối hợp với người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
• Tuyệt đối không hút thuốc trong toàn bộ khuôn viên bệnh viện, bao gồm cả khu vực trong nhà và ngoài trời
• Chủ động tư vấn, hỗ trợ người bệnh bỏ thuốc
• Tham gia các chương trình cai nghiện thuốc lá khi có nhu cầu
Với chức năng là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về ung bướu tại khu vực Bắc Trung Bộ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An luôn xác định phòng chống tác hại thuốc lá là một trong những ưu tiên chiến lược trong công tác chăm sóc sức khỏe và kiểm soát ung thư.
Hành động hôm nay – Vì sức khỏe ngày mai
Hành động ngay hôm nay để xây dựng môi trường không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mỗi hành động, dù nhỏ, đều có thể tạo nên sự thay đổi lớn:
• Nếu bạn đang hút thuốc: Đừng ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ y tế – bắt đầu hành trình thay đổi để bảo vệ sức khỏe của chính mình
• Nếu bạn là người thân hay đồng nghiệp: Hãy là nguồn động viên để giúp họ từ bỏ thuốc lá, đồng thời không bao giờ dung túng cho thói quen này.
• Nếu bạn là nhân viên y tế: Hãy chủ động làm gương sáng trong việc từ bỏ thuốc lá và lan tỏa thông điệp sức khỏe đến mọi người.
Hãy cùng Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hành động vì một môi trường không khói thuốc – Vì một Việt Nam khỏe mạnh, phát triển và bền vững!
“Theo Điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (năm 2012), bệnh viện là một trong những địa điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn”