Làm gì để kiểm soát chán ăn ở người bệnh ung thư ?

Chán ăn là triệu chứng đặc trưng bởi mất cảm giác thèm ăn hoặc giảm lượng calo đưa vào cơ thể, đây là một vấn đề phổ biến trong ung thư, nhưng mức độ quan tâm và nghiên cứu về chủ đề này vẫn chưa tương xứng với mức độ ảnh hưởng của nó.

Ảnh minh họa khi biết mình bị ung thư, nhiều người nảy sinh tâm lý chán ăn, bỏ ăn

Hiểu rõ hơn về cơ chế bệnh sinh, yếu tố nguy cơ, cũng như các phương pháp điều trị tối ưu là điều cần thiết để cải thiện chăm sóc người bệnh.

1. Cơ chế

1.1 Hormones và các chất trung gian

  Leptin là một hormone protein được sản xuất bởi mô mỡ đặc biệt là mô mỡ trắng gửi tín hiệu hướng tâm đến não để điều chỉnh khối lượng mô mỡ.

  Leptin có tác dụng giảm cảm giác thèm ăn và tăng tiêu hao năng lượng, tác động này được thực hiện thông qua vùng dưới đồi. Sự đói hoặc mất mô mỡ có thể dẫn đến giảm leptin, từ đó gây ra trạng thái cân bằng năng lượng dương kích thích lên vùng dưới đồi (positive energy balance). Kết quả là, lượng thức ăn nạp vào sẽ vượt quá lượng năng lượng tiêu hao. Cơ chế bù trừ này được điều hòa bởi:

– Tăng sản xuất ghrelin, neuropeptide Y (NPY) và các neuropeptide kích thích cảm giác thèm ăn khác.

– Giảm hoạt động của các neuropeptide gây chán ăn như yếu tố giải phóng corticotropin (CRF) và melanocortin.

Vì vậy, khi khối u ác tính sản xuất ra các yếu tố bắt chước tác động của leptin dư thừa lên vùng dưới đồi, thì hậu quả sẽ là: Chán ăn kéo dài (anorexia), suy mòn cơ bắp (muscle wasting), giảm cân không kiểm soát, không có phản ứng bù trừ bình thường của cơ thể.

1.2 Cytokine

 Cytokine là các phân tử protein được tiết ra bởi tế bào lympho và/hoặc đại thực bào đơn nhân. Chúng được giải phóng vào dòng máu và di chuyển đến não thông qua hàng rào máu não (BBB – Blood-Brain Barrier) và các cơ quan vòng quanh não thất.

  Nguồn gốc chính của cytokine trong ung thư có thể bao gồm: Cytokine có thể được tế bào ung thư sản xuất hoặc có thể là phản ứng viêm của hệ miễn dịch của cơ thể đối với tế bào ung thư. Các loại cytokin TNF-α, IL-1 và IL-6 với nồng độ cao, kéo dài đều gây ra tình trạng chán ăn cho người bệnh.

Ảnh minh họa tình trạng chán ăn ở người bệnh ung thư gây ảnh hưởng khá lớn cho quá trình điều trị bệnh

2.  Làm sao để kiểm soát chán ăn ở người bệnh ung thư

Kiểm soát chán ăn bao gồm 2 nhóm phương pháp: không dùng thuốc và dùng thuốc

2.1 Phương pháp không dùng thuốc:

– Đánh giá & xử lý các nguyên nhân cản trở ăn uống: Rối loạn vị giác; Khô miệng; Vấn đề răng/hàm; Nấc cụt dai dẳng; Viêm niêm mạc miệng; Nấm candida hầu họng; Buồn nôn và nôn sau hóa trị, thay đổi khẩu vị hoặc sở thích thực phẩm…. Người bệnh cần được nhóm chuyên gia đánh giá nhu cầu dinh dưỡng cụ thể và lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa.

– Tập thể dục: Tập thể dục giúp tăng độ nhạy insulin, Tăng tổng hợp protein; Tăng hoạt động enzyme chống oxy hóa, giảm phản ứng viêm và tăng cường chức năng miễn dịch, từ đó cải thiện tình trạng chán ăn. Các bài tập thể dục hiệu quả bao gồm: Bài tập sức bền, tập kháng lực,…

– Chăm sóc giảm nhẹ & hỗ trợ tâm thần: Bao gồm kiểm soát triệu chứng: đau, mệt, khó thở và điều trị rối loạn tâm lý, tâm thần. Các rối loạn tâm lý và tâm thần rất phổ biến ở người bệnh ung thư, với tỷ lệ mắc từ 10% – 79%. Chán ăn và suy mòn có thể gây ra trầm cảm thứ phát hoặc ngược lại, trầm cảm có thể là nguyên nhân chính gây chán ăn và giảm cân. Sử dụng các can thiệp tâm lý và hành vi đang được áp dụng ngày càng nhiều trong điều trị ung thư, bao gồm kỹ thuật thư giãn, thôi miên, liệu pháp tâm lý nhóm ngắn hạn.

2.2 Phương pháp dùng thuốc kích thích ngon miệng:

– Olanzapine: Olanzapine, một thuốc an thần và là dẫn chất của dibenzodiazepine, đã được nghiên cứu về hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng chán ăn và tăng cân ở người bệnh ung thư, liều điều trị đường uống 2,5–5 mg/ngày.

 Nghiên cứu của tác giả Lakshmi Sandhya (2023) trên các người bệnh chán ăn do hóa trị, nghiên cứu mù đôi phân ngẫu nghiên trên 124 người bệnh ung thư bắt đầu hóa trị cho ung thư phổi, tuyến tụy – đường mật hoặc dạ dày để đánh giá hiệu quả của olanzapine liều thấp (2,5 mg/ngày) so với giả dược. Kết quả cho thấy, ở 60% người bệnh dùng olazapine so với chỉ có 9% người bệnh sử dụng giả dược có tăng ít nhất 5% trọng lượng cơ thể, 43% người bệnh sử dụng olazapine cải thiện về cảm giác thèm ăn.

– Megestrol acetate: Megestrol acetate là một progestogen tổng hợp được sử dụng rộng rãi để kích thích thèm ăn và tăng cân ở người bệnh ung thư. Mặc dù megestrol acetate có hiệu quả trong việc cải thiện cảm giác thèm ăn và tăng cân, tuy nhiên cần thận trọng với các tác dụng phụ như nguy cơ huyết khối và phù nề. Liều bắt đầu đường uống 160 mg/ngày, tăng dần tới tối đa 800 mg/ngày.

–  Glucocorticoid (Dexamethasone): Glucocorticoids là một trong những nhóm thuốc được sử dụng để kích thích thèm ăn ở người bệnh ung thư. Mặc dù có hiệu quả trong việc cải thiện cảm giác thèm ăn tương tự như các chất tương tự progesterone, nhưng do nguy cơ tác dụng phụ cao và sự suy giảm hiệu quả theo thời gian, vai trò của glucocorticoids trong điều trị chán ăn do ung thư thường giới hạn ở những người bệnh có tiên lượng sống chỉ vài tuần đến vài tháng, liều sử dụng là 4 mg/ngày đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch.

 Chán ăn là một vấn đề phổ biến trong điều trị bệnh ung thư. Hiểu rõ hơn về cơ chế bệnh sinh, yếu tố nguy cơ, cũng như các phương pháp điều trị tối ưu để đưa ra chiến lược điều trị phù hợp tình trạng chán ăn có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống, duy trì sức khỏe toàn diện cho người bệnh ung thư. Các thuốc điều trị tình trạng chán ăn cần được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ để cá thể hóa từng người bệnh.

Tác giả: BS Bùi Thị Hương Thảo – Khoa ĐTGN – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

Hiệu đính: Ths.BS Nguyễn Văn Công – Trưởng khoa ĐTGN – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

Nguồn tham khảo:

Bruera E. ABC of palliative care. Anorexia, cachexia, and nutrition. BMJ. 1997;315(7117):1219-1222. doi:10.1136/bmj.315.7117.1219

– Duong VA, Nguyen TTL, Maeng HJ. Recent Advances in Intranasal Liposomes for Drug, Gene, and Vaccine Delivery. Pharmaceutics. 2023;15(1):207. doi:10.3390/pharmaceutics15010207

– Arends J, Strasser F, Gonella S, et al. Cancer cachexia in adult patients: ESMO Clinical Practice Guidelines☆. ESMO Open. 2021;6(3):100092. doi:10.1016/j.esmoop.2021.100092

– Watanabe H, Oshima T. The Latest Treatments for Cancer Cachexia: An Overview. Anticancer Res. 2023;43(2):511-521. doi:10.21873/anticanres.16188

– Bouleuc C, Anota A, Cornet C, et al. Impact on Health-Related Quality of Life of Parenteral Nutrition for Patients with Advanced Cancer Cachexia: Results from a Randomized Controlled Trial. The Oncologist. 2020;25(5):e843-e851. doi:10.1634/theoncologist.2019-0856

– Sandhya L, Devi Sreenivasan N, Goenka L, et al. Randomized Double-Blind Placebo-Controlled Study of Olanzapine for Chemotherapy-Related Anorexia in Patients With Locally Advanced or Metastatic Gastric, Hepatopancreaticobiliary, and Lung Cancer. J Clin Oncol Off J Am Soc Clin Oncol. 2023;41(14):2617-2627. doi:10.1200/JCO.22.01997

– Lim YL, Teoh SE, Yaow CYL, et al. A Systematic Review and Meta-Analysis of the Clinical Use of Megestrol Acetate for Cancer-Related Anorexia/Cachexia. J Clin Med. 2022;11(13):3756. doi:10.3390/jcm11133756.

– Matsuo N, Morita T, Matsuda Y, et al. Predictors of responses to corticosteroids for anorexia in advanced cancer patients: a multicenter prospective observational study. Support Care Cancer Off J Multinatl Assoc Support Care Cancer. 2017;25(1):41-50. doi:10.1007/s00520-016-3383-z

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *