Kháng thuốc có thể khiến thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị lớn, thậm chí nhiều người bỏ mạng vì không thuốc nào cứu được.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới mỗi năm có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có tới 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Trong đó, Việt Nam được xếp vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao trên thế giới đặc biệt xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng.
Kháng thuốc là gì?
“Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây. Đó là hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị và đặc biệt gia tăng khi việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến hơn. Thậm chí, tình trạng kháng tất cả loại thuốc là cơn ác mộng của loài người”
Nguyên nhân của “kháng thuốc”
Ngay từ khi kháng sinh ra đời đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên ở Việt Nam tình trạng kháng thuốc diễn ra trầm trọng hơn do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sỹ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Bên cạnh đó việc sử dụng kháng sinh sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Hậu quả của “kháng thuốc”
Hiện nay, rất nhiều người thường lạm dụng thuốc để trị bất cứ bệnh gì với mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh. Điều này gây ra mối nguy hiểm khôn lường bởi thuốc ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi.
Thuốc sử dụng bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, lạm dụng thuốc dễ dẫn đến đề kháng thuốc, về sau khi cần sử dụng thuốc để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì sẽ không còn tác dụng nữa, người bệnh dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.
Khi người bệnh sử dụng thuốc, ít nhiều trên cơ thể sẽ có các vi khuẩn tiết ra các chất đề kháng lại thuốc mà người bệnh dùng. Vấn đề đề kháng với thuốc của vi khuẩn là quá trình có tích lũy, do đó, nếu sử dụng thuốc nhiều loại hoặc nhiều lần thì mức độ đề kháng với thuốc sẽ tăng lên, nếu càng nhiều loại thì cơ thể sẽ đề kháng càng nhiều thuốc. Cho nên, khi cần thuốc để diệt vi khuẩn hoặc quá trình điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn ở các lần tiếp theo.
Hiện nay, ở nước ta, tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc không theo đơn vẫn còn phổ biến. Nhiều loại thuốc thuộc loại rất mới, chỉ dùng hạn chế trong bệnh viện nhưng lại bị dùng bừa bãi. Nhiều bệnh nhân có thói quen uống thuốc theo kinh nghiệm của người khác khi thấy triệu chứng bệnh tương tự nhau, điều này khiến cho bệnh có thể bị biến chứng, nặng thêm và làm vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở dẫn đến tình trạng kháng thuốc thêm trầm trọng. Do đó, để đảm bảo sức khỏe của bản thân cũng như gia đình, chúng ta chỉ nên dùng thuốc khi đã được khám và có chỉ định của bác sĩ, khi sử dụng thuốc phải hết sức thận trọng, không tự ý dùng, phải thăm khám lâm sàng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Nguồn: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế; Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk