Vi khuẩn nội sinh có thể xâm nhập vào máu thông qua các tổn thương thành ống tiêu hóa khi thực hiện các thủ thuật trong quá trình nội soi. Với một tỷ lệ rất nhỏ, vãng khuẩn huyết có thể gây ra nhiễm trùng cơ quan xa (như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn). Tuy vậy, ngay cả với những thủ thuật có nguy cơ cao như nong thực quản, tiêm xơ tĩnh mạch… thì tỷ lệ dẫn tới vãng khuẩn huyết còn thấp hơn cả một số sinh hoạt hàng ngày (như đánh răng, xỉa răng bằng tăm hay thậm chí hoạt động được coi là sinh lý như nhai thức ăn cũng có tỷ lệ gây ra vãng khuẩn huyết từ 7% tới 51%…). Một số trường hợp hiếm gặp, nội soi có thể gây nhiễm trùng tại chỗ (khi thủng vào khoang cơ thể hay tổn thương tạng). Bởi vậy chỉ sử dụng kháng sinh dự phòng trong nội soi tiêu hóa nhằm giảm nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn nói riêng và nhiễm khuẩn khác nói chung trong một số trường hợp đặc biệt.
- Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK)
Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao với VNTMNK (bảng 1) có nhiễm trùng đường tiêu hóa (như nhiễm khuẩn đường mật), hay đang sử dụng phác đồ kháng sinh dự phòng, đặc biệt ở những trường hợp sẽ thực hiện các thủ thuật làm tăng nguy cơ vãng khuẩn huyết (như ERCP) thì AHA khuyến cáo thêm vào phác đồ điều trị nhóm kháng sinh kháng Enterococci (như penicillin, ampicillin, piperacillin, hay vancomycin).
Bảng 1: Bệnh nhân có nguy cơ cao đối với viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn |
- Dự phòng nhiễm khuẩn khác
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Khuyến cáo nên sử dụng kháng sinh kháng gram âm và Enterococci ở bệnh nhân đã ghép gan, có nghi ngờ tắc mật và không có khả năng dẫn lưu hoàn toàn.
- Chọc hút kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi (EUS-FNA): Không khuyến cáo trong các trường hợp chọc hút các khối tổn thương dạng đặc. Với các tổn thương dạng nang (đặc biệt ở trung thất), khuyến cáo sử dụng trước và thường tiếp tục 3-5 ngày tiếp theo sau khi thực hiện thủ thuật.
- Mở thông dạ dày và hỗng tràng ra da: Kháng sinh dự phòng nên được sử dụng 30 phút trước thủ thuật (cefazolin hoặc tương đương).
- Bệnh nhân xơ gan có xuất huyết tiêu hóa: Ở những bệnh nhân có sử dụng kháng sinh dự phòng cho thấy giảm tỷ lệ tử vong, nhiễm trùng cũng như chảy máu tái phát và giảm thời gian nằm viện. Nên sử dụng ngay khi bênh nhân nhập viện và nên dùng thuốc đường tiêm tĩnh mạch với người bệnh có nôn máu.
- Bệnh nhân có mảnh ghép mạch nhân tạo và các thiết bị tim mạch khác (trừ van nhân tạo), bệnh nhân có khớp giả: Không khuyến cáo
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch hay hạ bạch cầu trung tính: Không có khuyến cáo rõ ràng, bác sỹ điều trị có thể cân nhắc tùy vào từng trường hợp
- Bệnh nhân có thẩm phân phúc mạc: Bệnh nhân có nội soi đại, trực tràng (hay can thiệp khác như sinh thiết, cắt polyp…) nên được sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch ngay trước thủ thuật.
Bảng 2: Kháng sinh dự phòng trong một số trường hợp đặc biệt |
Tài liệu tham khảo
- ASGE guideline Antibiotic prophylaxis for GI endoscopy Gastrointest Endosc 2015; 81:1-83.
- Guidelines of the European Society of Gastrointestinal Endoscopy Antibiotic Prophylaxis for Gastrointestinal Endoscopy Endoscopy 1998; 30: 318-324
- George W Meyer, MD, MACP, MACG . Antibiotic prophylaxis for gastrointestinal endoscopic procedures. uptodate