Theo ước tính của GLOBOCAN 2022, trên thế giới, Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) đứng hàng thứ 4 về tỉ lệ mắc mới và thứ 5 về tỉ lệ tử vong. Tại Việt Nam, căn bệnh này đứng thứ 7 về tỉ lệ mắc và thứ 8 về tỉ lệ tử vong với lần lượt 5.900 trường hợp mắc mới và 2.800 trường hợp tử vong trong năm 2022 .
Những dấu hiệu của UTTTL:
– Giai đoạn sớm: Các triệu chứng về rối loạn tiểu tiện: Đái khó, tia đái nhỏ, đái nhiều lần mức độ khác nhau, cảm giác đái không hết, đái không tự chủ, bí đái cấp, đái máu…
– Giai đoạn muộn: Đau xương, đau tầng sinh môn, phù nề chi dưới, xuất tinh ra máu.
Tuy nhiên có nhiều trường hợp UTTTL thể ẩn, không có triệu chứng lâm sàng và được phát hiện tình cờ.
Ảnh minh họa Một số dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt
Các yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến
– Tuổi: Tuổi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của UTTTL. Rất ít nam giới dưới 40 tuổi được chẩn đoán mắc UTTTL, từ 50 tuổi trở lên, nguy cơ mắc loại ung thư này tăng theo cấp số mũ.
– Tiền sử gia đình: Các trường hợp có bố hoặc anh em trai mắc UTTTL có nguy cơ mắc cao hơn và thường độ tuổi trẻ hơn.
Nên khám, tầm soát ung thư tiền liệt tuyến khi nào ?
– Nên tiến hành khám và xét nghiệm ở nam giới trên 50 tuổi hoặc trên 45 tuổi nếu có tiền sử gia đình UTTTL.
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi.
Các phương pháp tầm soát UTTLT:
– Thăm trực tràng bằng tay.
– Xét nghiệm máu định lượng giá trị PSA, một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt.
– Siêu âm ổ bụng.
– Những bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ khi tầm soát sẽ được nhập viện và làm thêm các cận lâm sàng cần thiết: sinh thiết tiền liệt tuyến, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, xạ hình xương…
Bệnh Ung thư tuyến tiền liệt có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm, đồng thời giảm chi phí điều trị và các biến chứng có thể gặp sau quá trình điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
tác giả: Ths.BS Nguyễn Ngọc Tú – Phó trưởng khoa Nội V – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.