Ung thư gan nguyên phát hay ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) là khối u xuất phát từ tế bào nhu mô gan. Đây là ung thư phổ biến đứng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 2 trong số các nguyên nhân gây tử vong do ung thư ở người. Tại Việt Nam, theo cơ quan ghi nhận ung thư quốc tế được công bố trên GLOBOCAN 2020, ung thư gan đứng đầu về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong, ước tính mỗi năm có 26.418 ca mới mắc và 25.272 ca tử vong. Ung thư gan 77% gặp ở nam giới và có thể ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nguyên nhân của UTBMTBG liên quan với viêm gan vurus B, C, xơ gan do rượu, nhiễm độc tế aflatoxin, …
Với những tiến bộ trong điều trị toàn thân, thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển đã lên đến trên 2 năm (cập nhật BCLC 2022).
Liệu pháp miễn dịch giúp kích hoạt hệ miễn dịch, tấn công các tế bào ung thư. Hiện nay có 2 nhóm điều trị miễn dịch. Nhóm thứ nhất sử dụng các thuốc đích để kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể có khả năng chống lại các khối u đó là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, ức chế hoạt động của các thụ thể PDL1/PD1 hoặc CTLA4 như Pembrolizumab, Durvalumab, Atezolizumab, Tremelimumab. Hướng thứ hai là lấy các tế bào có chức năng miễn dịch ra khỏi cơ thể bệnh nhân, gắn các thụ thể có khả năng nhận biết tế bào ung thư và nhân lên, hay nói cách khác là “huấn luyện” các tế bào miễn dịch có khả năng “tìm và diệt” tế bào ung thư. Sau đó đưa các tế bào miễn dịch này trở lại cơ thể bệnh nhân. Điển hình của nhóm này là liệu pháp tế bào miễn dịch CAR-T được chỉ định trong u lympho và bệnh bạch cầu. Điều trị miễn dịch đã cải thiện đáng kể thời gian sống thêm toàn bộ cũng như trì hoãn thời gian bệnh tiến triển nhưng không chữa khỏi triệt để được ung thư giai đoạn muộn.
Dựa theo kết quả nghiên cứu Imbrave 150: điều trị bước một trên bệnh nhân HCC với phác đồ Atozolizumab+ bevacizumab mang lại lợi ích đáng kể: mOS 19,2 tháng dài hơn 6 tháng so với Sorafenib, giảm nguy cơ tử vong đến 34%. Tỉ lệ đáp ứng 30%, gấp 3 lần so với Sorafenib. NCCN đã đưa ra khuyến cáo điều trị bước 1 bệnh nhân HCC với phác đồ Atezolizumab+ bevacizumab.
Sau đây là case lâm sàng về hiệu quả kết hợp điều trị miễn dịch + thuốc kháng sinh mạch trên bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An:
Họ tên bệnh nhân: N. H.T ; Tuổi: 65
Lý do vào viện: đau tức hạ sườn phải.
Bệnh sử: Bệnh nhân nam 64 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, T5/2022 đau bụng hạ sườn phải, đi khám tại Bệnh viện K3 phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn B/Viêm gan B (Sinh thiết gan: Carcinoma tế bào gan), đã điều trị TACE 01 lần tại Bệnh viện K3. Đến tháng 8/2022, tái khám phát hiện tiến triển (M) phổi, bệnh nhân xin chuyển về Bệnh viện Ung bướu Nghệ An điều trị tiếp.
Tình trạng lúc vào viện:
– Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt
– Thể trạng béo
– Da, niêm mạc hồng
– Không xuất huyết dưới da
– Tim nhịp đều, phổi thông khí rõ
– Bụng mềm, không chướng, gan lách không sờ thấy
– Các cơ quan khác chưa thấy bất thường.
Cận lâm sàng:
– AFP: 12,7 ng/Ml, HbsAg (+)
– Siêu âm: U gan đa ổ, nốt lớn kt 22x21mm-TD HCC. Huyết khối tĩnh mạch cửa.
– Nội soi thực quản – dạ dày: Viêm dạ dày, không có giãn tĩnh mạch thực quản
– Nội soi đại trực tràng: hiện chưa phát hiện bất thường
– Fibroscan: Độ xơ hóa gan-F3, Độ nhiễm mỡ – S3
– Xạ xương: chưa di căn
– CT toàn thân (T8/2022, sau TACE): Khối u gan HPT VIII kích thước 27x 42mm đã nút mạch hiện còn ngấm nhẹ thuốc cản quang. Đa u gan hiện tăng sinh rõ nét. Không thấy huyết khối tĩnh mạch. Vài nốt tròn nhỏ, rải rác hai phổi-M phổi.
Chẩn đoán: Ung thư biểu mô tế bào gan di căn phổi – giai đoạn BCLC C /Xơ gan child-pugh A/ Viêm gan B/ Viêm dạ dày.
Điều trị: Bệnh nhân được điều trị Bước 1 phác đồ hóa chất Atezolizumab+ Bevacizumab, kháng virus viêm gan B, giảm tiết, giải độc gan.
Đánh giá trong quá trình điều trị: Sau 09 đợt hóa chất bệnh nhân đỡ đau bụng, không ghi nhận các tác dụng phụ nghiêm trọng
Đáp ứng về mặt cận lâm sàng: Chỉ số AFP giảm dần 12.7->9.7-> 7.9-> 7.1-> 5.69.
Kích thước khối u trên hình ảnh MRI giảm dần.
Hình 1: Hình ảnh trước điều trị
Hình 2: Sau 9 đợt hoá chất, hiện tại kích thước khối u chỉ còn 30x35mm, chụp lồng ngực hiện không thấy bất thường
BS. Nguyễn Thị Hà – Khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An