Hàng năm, tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An thực hiện phẫu thuật cho khoảng 6.000 bệnh nhân, đau sau phẫu thuật là vấn đề được bác sỹ gây mê và bác sỹ phẫu thuật hết sức lưu tâm. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lí cũng như sự hồi phục của người bệnh sau phẫu thuật. Hãy cùng chuyên gia Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tìm hiểu về các phương pháp giảm đau sau phẫu thuật:
1. Phân loại đau sau phẫu thuật
Đau sau phẫu thuật là một phản ứng sinh bệnh lý phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau sau phẫu thuật thường biểu hiện lâm sàng bằng các dấu hiệu rối loạn tinh thần hoặc thay đổi tính cách của người bệnh cũng như sự bất thường của hệ thần kinh tự động.
Mức độ đau sau phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào tính chất và mức độ của ca phẫu thuật cũng như kỹ thuật mổ, phương pháp vô cảm đã thực hiện và khả năng chịu đựng của người bệnh.Để giảm đau sau mổ cần tính đến những vấn đề này.
Đau sau phẫu thuật có thể được chia thành 2 loại như sau:
- Đau cấp tính: Đây là loại đau ngay sau phẫu thuật cho đến ngày thứ 7 sau mổ. Đau cấp tính sau mổ có vai trò sinh lý tích cực, bởi nó cung cấp một cảnh báo tổn thương mô, làm người bệnh bất động để quá trình phục hồi nhanh hơn.
- Đau mạn tính: Đây là tình trạng đau kéo dài hơn 3 tháng sau phẫu thuật. Tình trạng đua này thường ảnh hưởng nhiều đến người bệnh.
2. Tác hại đau sau phẫu thuật
Đau sau phẫu thuật bắt đầu xuất hiện phụ thuộc vào phương pháp vô cảm như gây mê hoặc gây tê, chỉ kéo dài từ 2 – 4 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 50% người bệnh không chịu được cảm giác đau. Thời gian và tính chất cường độ đau sẽ phụ thuộc vào từng loại phẫu thuật, môi trường xung quanh cũng như ngưỡng chịu đau của người bệnh.
Tuy nhiên, đau sau mổ là một trong những phiền nạn chính đối với người bệnh. Các tác hại mà tình trạng đau sau phẫu thuật gây ra cho người bệnh như sau:
- Đau gây ra một số tác hại cũng như rối loạn ở các cơ quan trên cơ thể như: Hô hấp, nội tiết và tuần hoàn;
- Đau sau mổ còn gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh, từ đó làm tăng quá trình viêm và chậm liền sẹo, rối loạn dinh dưỡng sau mổ;
- Bên cạnh đó, tình trạng đau sau mổ sẽ kéo dài thời gian nằm viện, mất ngày công lao động của người bệnh;
- Đau sau phẫu thuật sẽ cản trở tới việc hồi phục sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh, khiến người bệnh sẽ lo sợ khi chấp nhận một cuộc phẫu thuật khác;
- Đồng thời, một tác hại đau sau phẫu thuật khác đó là làm hạn chế sự vận động của người bệnh, dẫn đến tăng nguy cơ tắc mạch, ảnh hưởng tới việc chăm sóc vết mổ và việc tập phục hồi chức năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng;
Đau sau phẫu thuật là một nỗi ám ảnh của người bệnh và là vấn đề đã và đang được bác sĩ luôn quan tâm bởi tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lí cũng như sự hồi phục của người bệnh sau phẫu thuật.
3. Giảm đau sau phẫu thuật
Từ những tác hại đau sau phẫu thuật như trên, phương pháp giảm đau sau phẫu thuật là một biện pháp điều trị mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giúp cho người bệnh hạn chế được cơn đau; lấy lại trạng thái cân bằng cũng như giúp nâng cao chất lượng điều trị. Từ đó người bệnh có thể sớm hồi phục, tự chăm sóc được cho bản thân và tránh diễn tiến thành đau mạn tính sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, việc lựa chọn kỹ thuật điều trị giảm đau sau mổ còn phải tùy thuộc vào mức độ đau cũng như vị trí đau,… Các phương pháp giảm đau sau phẫu thuật thường được bác sĩ áp dụng là:
- Giảm đau sau phẫu thuật bằng đường uống
Phương pháp giảm đau này là dùng thuốc không thuộc họ morphine. Có thể cho người bệnh sử dụng paracetamol, kháng viêm không steroid hoặc kết hợp paracetamol và NSAID,… Việc sử dụng thuốc cần theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Giảm đau sau phẫu thuật bằng dùng thuốc ngoài đường uống
Sử dụng phương pháp giảm đau bằng đường tĩnh mạch, chủ yếu là dùng các thuốc giảm đau không thuộc họ morphine. Liều lượng thuốc, đường dùng cũng như thời gian dùng thuốc và loại thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Giảm đau sau phẫu thuật bằng bơm thuốc qua catheter ngoài màng cứng
Phương pháp này sẽ có tác dụng giảm đau tốt hơn dùng đường dưới da và tĩnh mạch. Có thể kết hợp thuốc thuộc họ morphine tan nhiều trong mỡ với một số loại thuốc tê hoặc clonidine hoặc chỉ sử dụng morphine. Tương tự như trên, loại thuốc và liều dùng cần có sự chỉ định của bác sĩ.
- Giảm đau sau phẫu thuật bằng cách đặt catheter gây tê đám rối thần kinh hoặc thân thần kinh.
Phương pháp giảm đau này áp dụng ở chi và thường đặt lặp lại hoặc truyền liên tục, mục đích là kéo dài thời gian giảm đau sau phẫu thuật cho người bệnh;
- Dùng thuốc đường hậu môn để giảm đau.
Phương pháp này cũng thường được chỉ định để giảm đau sau phẫu thuật, tuy nhiên cần có sự chỉ định của bác sĩ về loại thuốc và liều dùng.
Bệnh viện Ung bướu là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu của khu vực với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm và hết lòng vì người bệnh đặc biệt là đội ngũ bác sỹ gây mê được đào tạo chuyên sâu. Vì vậy đến với chúng tôi bệnh nhân hãy yên tâm hợp tác điều trị.