Tế bào bạch cầu có vai trò gì trong cơ thể, lý giải nguyên nhân vì sao thuốc hóa chất lại làm suy giảm bạch cầu trong cơ thể và hiện tượng suy giảm bạch cầu mang lại những hậu quả nặng nề như thế nào. Đọc bài viết để hiểu hơn về hiện tượng giảm bạch cầu trong quá trình hóa trị liệu:
Bạch cầu là gì? Vai trò của bạch cầu?
Bạch cầu là một loại tế bào trong máu bên cạnh hai loại tế bào khác là hồng cầu và tiểu cầu. Khi lấy máu thực hiện xét nghiệm công thức máu (hay còn gọi là xét nghiệm huyết học), chúng ta có thể thấy có 5 loại tế bào bạch cầu khác nhau: Bạch cầu trung tính, ưa axit, ưa kiềm, bạch cầu đơn nhân và lympho. Chúng là thành phần chính của hệ miễn dịch, tạo nên sức đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như độc tố, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, và cả các tế bào ung thư. Bạch cầu giống như những “chiến binh” di chuyển trong máu hoặc chốt chặn tại các cửa ngõ (các hạch bạch huyết) nơi cơ thể tiếp xúc môi trường bên ngoài như hô hấp , tiêu hóa.
Các loại bạch cầu :
Vì sao thuốc hóa chất gây suy giảm tế bào bạch cầu?
Thuốc hóa chất, bên cạnh tác dụng có lợi là giúp tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể, nó cũng gây hại là tiêu diệt cả tế bào khỏe mạnh bình thưởng. Những tế bào phát triển càng nhanh như tế bào niêm mạc miệng, ruột, các tế bào máu (bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu) tại tủy xương càng nhạy cảm với hóa chất.
Khi truyền hóa chất vào cơ thể, các tế bào tủy xương bị tổn thương, và chết đi. Từ đó làm giảm khả năng tạo các tế bào máu, từ đó các tế bào bạch cầu sản sinh từ tủy xương ngày càng hạ.
Giảm bạch cầu để lại hậu quả đáng sợ như thế nào?
Như chúng ta đã biết, bạch cầu được coi như những “chiến binh” bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Khi số lượng bạch cầu trong máu bị suy giảm, sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, bạn sẽ trở nên yếu ớt, cơ thể sẽ không đủ sức chống đỡ dưới sự tấn công của vi khuẩn, virus, hay ký sinh trùng xâm nhập dẫn đến tình trạng nhiễm trùng cấp tính và gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng của bạn.
Nguy hiểm hơn, khi giảm bạch cầu, bạn sẽ không thấy có bất kỳ biểu hiện gì cho đến khi xuất hiện trình trạng nhiễm trùng, hay biến chứng như:
- Viêm, sưng, nóng, đỏ, có dịch mủ tại vết thương, vết xây xát, vết mổ…
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Ho, có đờm, khó thờ, tức ngực…
- Nhiễm trùng tiết niệu: Tiểu buốt, rắt, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục …
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đầy bụng,..
- Cần làm gì để phát hiện và phòng tránh các hậu quả của giảm bạch cầu?
– Khi điều trị bằng hóa chất, thông thường các thầy thuốc sẽ kiểm tra thường xuyên số lượng bạch cầu trong máu bằng xét nghiệm công thức máu. Dựa vào sự thay đổi của số lượng bạch cầu, các thầy thuốc sẽ quyết định việc sử dụng thuốc tiếp theo.
– Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn.
– Hạn chế tiếp xúc với những người mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, cảm cúm.
– Không thực hiện các thủ thuật, tiểu phẫu (răng, miêng, thẩm mỹ) nếu không thực sự cần thiếp khi bạn đang trong thời gian bị giảm bạch cầu.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt (giàu đạm) giúp kích thích tủy xương nhanh chóng hồi phục, cũng như tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Ăn thức ăn đã nấu chín và ăn ngay sau khi nấu, không được ăn các thức ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như rau sống, lòng, tiết canh…
– Không nên lo lắng, căng thẳng sẽ làm nặng hơn tình trạng hạ bạch cầu. Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, một giấc ngủ ngon lành sẽ giúp tủy xương hồi phục tốt hơn.
– Tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sỹ khi dùng các thuốc kháng sinh, thuốc kích thích sản xuất bạch cầu dự phòng, ngay cả khi chưa có dấu hiệu giảm bạch cầu.
- Những dấu hiệu cần đến các cơ sở y tế ngay?
– Sốt cao trên 38°C
– Cảm giác ớn lạnh, rét run.
– Xuất hiện tình trạng nhiễm trùng.
Nguồn : sức khỏe và đời sống