Giá trị của nụ cười

Hẳn rằng, mỗi chúng ta đều cảm thấy một ngày thật tươi vui, nhẹ nhõm nếu chúng ta gặp nhau trên đường phố, đến cơ quan, ra chợ đều chào nhau với một nụ cười. Cuộc sống đáng yêu hơn nếu ta mỉm cười. Nụ cười không mất tiền mua, không tốn công sức để tạo ra nó mà khiến cho chúng ta có được cả một bầu trời niềm vui, khiến cho một ngày của chúng ta trôi đi với nhiều hứng khởi.

Sở dĩ tôi nói về nụ cười, để bắt nguồn cho một câu chuyện khác. Câu chuyện ở một nơi mà mọi người vẫn cho là…thiếu vắng nụ cười. Đó là bệnh viện. Hơn thế, lại là Bệnh viện Ung bướu, nơi các bệnh nhân hầu hết đều đinh ninh mình đã chạm vào cửa tử. Đó là nơi mà nỗi đau đớn của thể xác và tinh thần luôn đè nặng lên người bệnh. Đó là nơi mà những lương y trở thành nơi bấu víu cuối cùng, nơi mà người bệnh trao gửi cả hy vọng của mình.

Chúng tôi, khi đã chọn cho mình nghề y, đã thuộc lời thề Hippocrates, là tâm niệm đem hết sức lực của mình để chăm sóc sức khỏe, bằng mọi giá cứu sống người bệnh. Cái tâm đức của người thầy thuốc, không chỉ là phải luôn vươn lên, giỏi về mặt y thuật mà còn đồng hành, sẻ chia cùng người bệnh những vất vả, đau đớn thể xác lẫn tinh thần. Bạn biết đấy, người bệnh không chỉ cần thầy thuốc giỏi, cần thuốc tốt, mà họ còn cần sự cảm thông, cần cái vỗ vai thân thiện, cần cái nắm tay ân cần, cần một nụ cười tỏa rạng… Điều đó sẽ giúp cho người bệnh có được niềm tin, có được niềm hứng khởi, giản đơn như khi ta bước ra đường mỗi ngày và nhận được ánh sáng từ những nụ cười. Điều đó, chắc chắn sẽ giúp cho cả quá trình điều trị thêm hiệu quả.

Thấu hiểu điều ấy, ở một nơi mà người ta vẫn thường nói đến “không muốn đặt chân vào”, chúng tôi đã cùng đồng lòng để tạo ra ánh sáng từ những nụ cười, ánh sáng từ sự thân thiện, ấm áp sẻ chia. Và chúng tôi đã cảm động biết bao, khi nhận được thông điệp ấy từ bệnh nhân và người nhà của họ, cái thông điệp đáng giá hơn tất cả những bằng khen, những phần thưởng khác, là câu nói giản dị, chân tình của người phụ nữ quê mùa đưa con mình đến điều trị bệnh ung thư ở Khoa Nội 1 – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An của chúng tôi: “Cháu nhà tôi đã không còn sợ bệnh viện nữa”

Sợ bệnh viện, cái câu nói ấy hẳn đã vang lên trong tấm trí tất cả những người bình thường, và đặc biệt là những bệnh nhân đang phải điều trị. Nhưng vì sao, từ đâu mà người bệnh nan y ấy lại “không còn sợ bệnh viện” nữa?

Tôi nhớ mãi, đó là một ngày mưa, chúng tôi đón nhận một ca bệnh mà không khỏi xót thương. Bệnh nhân là một thiếu nữ 17 tuổi. 17 tuổi, cái tuổi thanh xuân tươi tắn rực rỡ nhất. Lẽ ra em đang cùng chúng bạn tới trường, đang chuẩn bị những dự định tương lai… Thế nhưng căn bệnh ung thư đã đưa em đến chúng tôi. 17 tuổi mắc ung thư, cái đó không lạ, nhưng khi em đến với chúng tôi thì căn bệnh đã khiến mặt em biến dạng. Phần mũi của em đã bị hoại tử, lở loét.

Bằng tất cả những nỗ lực, chúng tôi cùng chung tay để chữa trị, chăm sóc và động viên em. Sau một thời gian điều trị, em đã có những dấu hiệu tích cực. Gương mặt em trở nên tươi tắn hơn. Làn da, ánh mắt cũng sáng hơn, lấp lánh. Niềm vui và nụ cười mơ hồ đã trở lại. Với chúng tôi, những dấu hiệu hồi phục của bệnh nhân không hạnh phúc nào bằng.

Rồi sau đợt điều trị, em đã được ra viện. Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như không có một ngày kia. Khi ấy tôi và các đồng nghiệp đang chăm sóc bệnh nhân tại khoa thì người phụ nữ có gương mặt dãi dầu, đôi tay nhăn nheo đen đúa, nụ cười ngượng nghịu chính là mẹ của bệnh nhân 17 tuổi, và sau lưng bà là bước đi ngại ngùng của em, đến tìm gặp. Bà lại gần tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi:

  • Có chuyện gì vậy bác?

Và tôi thấy, đôi tay nhăn nheo, chai sạn ấy cầm đưa cho tôi một túi bóng đựng nhiều rau và mấy lốc sữa. Bà cất lời, đầy mộc mạc:

  • Đây là cây nhà lá vườn, tôi mang lên biếu các bác sĩ, với cả sữa các bác sĩ uống bồi bổ sức khỏe.

Biết không thể nào chối từ, chúng tôi đành nhận và cảm ơn hai mẹ con. Bà đã vất vả mang nó lên từ miền quê xa xôi, là cả tấm lòng biết ơn của gia đình đối với người thầy thuốc. Lúc này bà mẹ nông dân mới mỉm cười quay sang con gái của mình. Bức tranh khi ấy thật xúc động trong lòng tôi. Lúc đó, ngoài trời đang mưa, lạnh. Màu xám của nền trời mưa làm sáng hẳn gương mặt của người mẹ và cô con gái mới ngày nào còn xanh xao vì bệnh tật, giờ đang rạng rỡ nụ cười. Người mẹ cất giọng hỏi tiếp:

  • Con nhà tôi đòi lên đây cho bằng được vì muốn gặp lại các cô chú khoa mình, nó cũng muốn gặp lại bác sĩ H, không biết hôm này bác sĩ H có đi trực không các cô ?
  • Bác và em đợi một chút nhé

Tôi đáp và nhờ người đi gọi bác sỹ H về. Tôi thấy hai mẹ con họ ngồi tựa vào nhau thật ấm áp ở hàng ghế chờ của người nhà bệnh nhân. Một lúc sau, bác sĩ H quay về và gặp họ. Tôi thấy cô gái trẻ chìa tay đang cầm một thỏi kẹo đưa cho bác sĩ. Bác sĩ H của chúng tôi cười phá lên, nụ cười của anh ấy đúng là vỡ òa niềm vui. Tôi cũng thấy hình ảnh của người mẹ khắc khổ nắm tay đứa con gái thân yêu của mình và cười ngại ngùng. Họ trò chuyện với nhau vài câu giữa sự bận rộn của bệnh viện. Và ngoài những câu chuyện về bệnh tình, về tình hình sức khỏe, về vấn đề chuyên môn; chúng tôi còn thấy len lỏi vào đó những câu hỏi han thân mật về gia đình, về học tập, về những niềm vui trong cuộc sống. Dù những niềm vui ấy nhỏ nhoi và được chắt chiu qua từng ngày giữa những đắng cay, nhọc nhằn.

Trước khi hai mẹ con họ ra về, bác sĩ H đã kịp dặn dò cô bé ấy các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh của mình một cách ân cần, như cái cách anh ấy vẫn thường làm với bệnh nhân. Bác lại chào chúng tôi để ra về, trước khi họ về lại vùng quê xa xôi ấy, bác đã kịp giải đáp những thắc mắc cho chúng tôi về chuyến lên thăm vội vàng này:

Con bé Hương nhà tôi nó không còn đi học  nữa  cô ạ, trước đây nó rất tự ti, suy sụp rất nhiều, nhưng mà mấy hôm nay nó cứ đòi tôi mãi. Nó bảo nó nhớ khoa Nội 1, nhớ bác sĩ H, vì anh ấy có một nụ cười rất tươi, anh ấy nói chuyện rất vui và hay cho kẹo nó. Bây giờ nó khỏe rồi, nó muốn tặng lại kẹo cho bác sĩ”. Bác vừa nói vừa cười. – Bao nhiêu ngày chúng tôi đã sống trong tuyệt vọng, chỉ có nước mắt và nỗi lo, nhưng giờ đây, thấy cháu đỡ đau và vui trở lại, gia đình tôi mừng hơn gì hết. Gặp được các cô, các bác sĩ ai cũng tươi cười và nhẹ nhàng, con bé  nhà tôi đi bệnh viện mà không đòi về nhà, nó không sợ bệnh viện nữa.

Câu nói chân thật, giản đơn của người phụ nữ quê mùa lúc ấy vỡ òa trong lòng chúng tôi bao nhiêu suy nghĩ, cảm xúc. Có ai trên đời mà không “sợ bệnh viện” chứ? Ai lại không sợ những mũi kim, những đơn thuốc, những liệu trình đằng đẵng, thậm chí sợ cả thầy thuốc nữa… Nhưng bệnh viện sẽ trở thành nơi ám ảnh người bệnh hơn nếu người thầy thuốc chỉ mang vẻ lạnh lùng?

 

Hóa ra, giản dị lắm, là  những nụ cười mà chúng tôi nhắc nhau rằng, dù áp lực mệt mỏi đến đâu, cũng hãy cố gắng mang tặng cho người bệnh đã mang đến những kết quả không ngờ. Nó chính là sự khích lệ, sự đồng hành, là niềm tin cậy, là điểm tựa cho những tháng ngày tuyệt vọng, buồn bã của mỗi người bệnh mà có thể, đôi lúc chúng tôi chưa kịp nhận ra.

Tôi chỉ kịp chào cô bé và chào người mẹ thôn quê vĩ đại ấy kèm lời nhắn nhủ chúc họ luôn khỏe mạnh, gặp nhiều niềm vui trong đời. Chúng tôi lại lao vào công việc, căng thẳng và áp lực. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi tiếp nhận và chăm sóc rất nhiều bệnh nhân, mỗi người một trường hợp, mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng từ câu chuyện nhỏ kia, đã nhắc nhở chúng tôi rằng, hãy mỉm cười mỗi ngày.

Và thẳm sâu lòng mình, tôi thấy mình cần biết ơn người mẹ và cô bệnh nhân 17 tuổi kia. Cái cách mà người mẹ nông dân kham khổ và cô bé mang đến một món quà khiến chúng tôi càng thêm yêu nghề và vững tin vào công việc. Niềm vui của họ đã nhắc nhở chúng tôi cẩn trọng hơn trong nghề nghiệp, đặc biệt trong ứng xử với mỗi người bệnh. Nhiều lúc công việc đè nặng lên vai, mệt mỏi đến vô cùng, nhưng chúng tôi đã tự biết làm vui mình bằng chính nụ cười. Bởi không có điều gì gắn kết giữa con người với con người nhanh hơn, ấm hơn bằng chính nụ cười. Nụ cười không chỉ xua đi giá lạnh, mà còn giúp căn bệnh dường như không còn nặng nề, giúp người bệnh có thêm dung khí chống chọi và chiến thắng tật bệnh. Thế đấy, giản dị lắm, cái gì từ trái tim sẽ đến trái tim.

 

Tôi kể câu chuyện này để nói thêm với chúng ta về giá trị của nụ cười. Và còn chần chừ gì nữa, mỗi ngày, khi khoác lên mình tấm áo trắng đi giữa bao nhiêu đớn đau rên xiết, ta hãy giành tặng chút ánh sáng ấy đến với những người bệnh. Để “nơi đáng sợ” không còn đáng sợ. Để mỗi thầy thuốc trở thành một người bạn gửi gắm những yêu tin.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *