Gạn tách tế bào gốc từ máu ngoại vi bằng máy tự động

Tế bào gốc là tế bào có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Là một công cụ trong hệ thống sửa chữa của cơ thể, khi được đưa vào các bộ phận khác nhau, tế bào gốc có thể phân chia không giới hạn để láp đầy những thiếu hụt tế bào của bộ phận đó chừng nào cơ thể còn sống.
Ghép tế bào gốc tạo máu, thường được gọi là ghép tủy, là một trong những tiến bộ nổi bật nhất trong y học hiện đại. Phương pháp điều trị này mang đến cơ hội sống cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học và một số bệnh lý khác ngoài chuyên khoa Huyết học. Ghép tế bào gốc tạo máu là 1 trong 10 thành tựu y học nổi bật của Việt Nam trong những năm vừa qua.


I. Tại sao phải ghép TBG?
Ghép TBG tạo máu là một phương pháp hỗ trợ cho điều trị hóa chất liều cao hay tia xạ để tiêu diệt một cách nhanh chóng và triệt để các tế bào ung thư. Đa hóa trị liệu và xạ trị là những vũ khí có hiệu quả nhất chống lại bệnh ung thư, nhưng chúng không chỉ tiêu diệt các tế bào bệnh mà còn tiêu diệt cả tế bào lành của cơ thể người bệnh. Hậu quả là rất nhiều tế bào bình thường như tế bào gốc cũng bị tiêu diệt trong quá trình điều trị. Do đó, “cứu vãn” bằng ghép TBG giúp bệnh nhân sản xuất ra được các tế bào máu mới thay thế các tế bào bị phá hủy trong quá trình điều trị hóa chất và tia xạ.

II. Tế bào gốc có thể lấy được từ nhiều nguồn
– Tủy xương: chủ yếu lấy từ xương cánh chậu; kỹ thuật này khá đơn giản, an toàn. Hiếm khi có biến chứng. Cần phải gây mê toàn thân. Người hiến hồi phục hoàn toàn từ thủ thuật này sau vài ngày và cơ thể người hiến sẽ sản xuất tổ chức tủy xương mới thay thế phần đã thu gom.
– Máu ngoại vi: sử dụng yếu tố kích thích sinh máu để huy động tế bào gốc ra máu ngoại vi, sau đó gạn tách và thu gom TBG bằng máy tách tế bào; phương pháp này phổ biến trong ghép TGB tự thân. Thuốc có thể có tác dụng phụ như: đau cơ, đau đầu, buồn nôn hay khó ngủ; nhưng các triệu chứng phụ này sẽ hết sau 2-3 ngày khi ngừng thuốc.
Đây là một phương pháp hiện đại, với nhiều ưu điểm: đơn giản, không đau, dễ thực hiện do không cần gây mê, chủ động trong việc thu thập một lượng Tế bào gốc, tế bào gốc tinh sạch hơn, không lẫn những thành phần khác (như hạt mỡ, cặn xương…). Thường được tiến hành trong 4-6 giờ, trong quá trình gạn tách, người hiến có thể có các biểu hiện các triệu chứng như: gai rét, tê quanh môi và chuột rút ở tay.
Với ghép đồng loại, gạn tách và thu gom tế bào gốc từ máu ngoại vi không có sự ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến.
– Tế bào máu cuống rốn: nguồn này có lượng tế bào gốc không nhiều do đó thường dùng để ghép cho bệnh nhi.

III. Các phương pháp ghép tế bào gốc
– Ghép tế bào gốc tự thân :
+ Là phương pháp lấy tế bào gốc từ chính bệnh nhân để ghép lại cho họ.
+ Có thể áp dụng cho một số bệnh lý huyết học như Đa u tủy xương, U lympho ác tính và các bệnh lý tự miễn, bệnh Amylodosis và nhiều bệnh lý thuộc các chuyên khoa khác như Ung thư, ngoại khoa, thần kinh, nội tiết, da liễu…
– Ghép tế bào gốc đồng loại :
+ Là phương pháp ghép tế bào gốc bằng cách lấy tế bào gốc từ anh em ruột hay từ người không cùng huyết thống nhưng phù hợp HLA để ghép cho bệnh nhân.
+ Phương pháp này có thể áp dụng để điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh máu ác tính như: Lơxêmi cấp, Lơxêmi kinh, U lympho ác tính, Hội chứng Rối loạn sinh tủy, Đa u tủy xương; hoặc không ác tính như: Suy tủy xương, Thalassemia, Đái Huyết sắc tố kịch phát ban đêm, một số bệnh lý huyết sắc tố khác…
* Hiện nay, Viện Huyết học- Truyền máu TW đã áp dụng Ghép tế bào gốc tự thân để điều trị cho các bệnh nhân bị một số bệnh lý như Đa u tủy xương, U lympho ác tính…; ghép Tế bào gốc đồng loại để điều trị Suy tủy xương, Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, Lơ xê mi cấp và kinh và rối loạn sinh tủy…Trong thời gian tới sẽ mở rộng cho những nhóm bệnh lý khác nữa.

IV. Quy trình tiến hành gạn tách tế bào gốc từ máu ngoại vi
Tuyển chọn người khỏe mạnh để đảm bảo chiết tách đủ số lượng tế bào gốc tối thiểu cần truyền cho người bệnh là ≥ 3 x106 tế bào CD34 +/kg cân nặng người bệnh nếu ghép đồng loại. Tuyển chọn người bệnh ( đa u tủy xương, U lympho không Hodgkin và Hodgkin . Lơ xê mi cấp dòng tủy ) đủ tiêu chuẩn ghép để gạn tế bào gốc với số lượng ≥ 2×106 tế bào CD34 +/kg nếu ghép tự thân
1. Chỉ Định
– Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị bệnh: Đa u tủy xương, U lympho không Hodgkin. Hodgkin và lơ xê mi cấp dòng tủy ….
– Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài điều trị các bệnh máu: Suy tủy xương . Lơ xê mi cấp và kinh dòng bạch cầu hạt. Rối loạn sinh tủy…
2. Chống chỉ định
2.1. Đối với người hiến tế bào gốc
– Phụ nữ có thai hoặc cho con bú
– Tuổi dưới 10 hoặc trên 60
– Cân nặng dưới 20kg
– Có bệnh lý về gan, thận, phổi và tim
– Mắc các bệnh lý ác tính khác có nguy cơ tái phát hay tiến triền trong vòng 5 năm
2.2. Đối với bệnh nhân
– Tuổi trên 65 đối với đa u tủy xương và U lympho ác tính trên 50 tuổi đối với Lơ xê mi cấp
– Thể trạng người bệnh kém
– Người bệnh không đáp ứng với hóa chất khi điều trị vòng 2 hoặc không đạt lui bệnh hoàn toàn đối với nhóm lơ xê mi cấp
– Người bệnh có các bệnh lý về gan , thận, phổi và bệnh tim
– Người nhà và người bệnh không đồng ý ghép
3. Chuẩn bị
3.1. Người thực hiện:
– Bác sĩ
– Điều dưỡng
– Kỹ thuật viên
3.2. Phương tiện – Hóa chất
– Buồng bệnh
– Bơm tiêm
– Máy tách tế bào
– Máy bảo quản âm sâu tế bào gốc
– Hóa chất xét nghiệm : làm các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, HLA , Sinh hóa, Vi sinh…
– Thuốc G –CSF , can xi, dung dịch Natriclorid 0.9%
3.3. Người hiến tế bào gốc
– Được giải thích kỹ về mục đích tiến hành kiểm tra lựa chọn và quy trình tiến hành gạn tách tế bào gốc. Người cho tế bào gốc được theo dõi và kiểm tra định kỳ trong và sau khi tiến hành gạn tế bào gốc.
3.4. Phiếu xét nghiệm
– Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi và túi tế bào gốc
– Sinh hóa
– HLA cho ghép tủy
– Phiểu xét nghiệm HBV, HCV, HIV.
– Anti CMV (IgG, IgM) anti EBV (IgG,IgM)
– Phiếu siêu âm
– Đếm CD34 máu ngoại vi và túi tế bào gốc
– Các xét nghiệm đặc thù khác tỷ lệ tế bào gốc , cấy túi tế bào gốc
4. Các bước tiến hành
Bước 1: Kiểm tra xét nghiệm HLA người cho và người nhận. Nếu phù hợp thì tiến hành bước 2.
Bước 2: Kiểm tra lâm sàng người cho và người nhận về tim, phổi, thần kinh… các xét nghiệm máu; chức năng gan, thận, các yếu tố lây nhiễm…; các xét nghiệm phân tích nước tiểu, điện tim, siêu âm tim…
Bước 3: Chuẩn bị khối tế bào gốc cho ghép:
– Huy động tế bào gốc của người cho: tiêm thuốc kích bạch cầu G-CSF với liều 10 μg/kg/ngày. Đếm số lượng bạch cầu và số lượng tế bào CD34+ hàng ngày. Nếu số lượng tế bào CD34+ > 10 tế bào/ml thì tiến hành thu thập tế bào gốc máu ngoại vi.
– Thu thập tế bào gốc máu ngoại vi bằng máy tách tế bào trong túi tế bào gốc. Kết thúc thu gom khi số lượng CD34+ > 3×106/kg cân nặng.
– Lưu trữ tế bào gốc máu ngoại vi ở nhiệt độ -1960C trong nitơ lỏng hoặc nhiệt độ 2-80C trong vòng 72 giờ.


5. Tác dụng phụ và xử trí
– Tác dụng phụ ở người hiến khi sử dụng G-CSF : đau xương, đau đầu, tăng LHD, acid uric, tăng huyết áp, lách to. Xử trí bằng giảm đau, hạ huyết áp.
– Tác dụng phụ ở người hiến trong khi thu gom tế bào gốc: đau đầu, tê vùng môi, chuột rút, rét run . Xử trí bằng truyền canxi, corticoid.

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *