Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và hồi phục của người bệnh ung thư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng các chế độ ăn kiêng khắt khe có thể giúp “bỏ đói” tế bào ung thư và tăng hiệu quả điều trị. Điều này dẫn đến những hiểu lầm nguy hiểm, có thể làm suy yếu cơ thể, giảm sức đề kháng và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu đúng về dinh dưỡng trong ung thư, tránh những quan niệm sai lầm và áp dụng chế độ ăn hợp lý để hỗ trợ sức khỏe tốt nhất.
I. Những quan niệm sai lầm phổ biến về ăn kiêng khi điều trị ung thư
1. Cắt bỏ hoàn toàn đường để ‘bỏ đói’ tế bào ung thư
– Quan niệm sai lầm: Nhiều người tin rằng tế bào ung thư “thích” đường để phát triển. Do đó, họ loại bỏ toàn bộ đường ra khỏi bữa ăn hàng ngày để “bỏ đói “ chúng.
– Thực tế:
. Đúng là tế bào ung thư có nhu cầu tiêu thụ glucose (đường) cao. Thế nhưng, các tế bào bình thường (cơ, não, gan…) cũng cần năng lượng từ glucose để duy trì hoạt động sống.
. Cắt bỏ hoàn toàn nguồn đường/carbohydrate có thể gây mệt mỏi, suy kiệt, ảnh hưởng xấu đến tim, não, hệ thần kinh và cơ bắp.
. Các hướng dẫn dinh dưỡng (ESPEN) khuyên người bệnh ung thư vẫn cần nạp đủ carbohydrate phức hợp (từ gạo lứt, khoai lang, ngũ cốc nguyên cám, rau củ…) nhằm bảo đảm năng lượng và vi chất.
Ảnh minh họa một số thực phẩm giàu carbohydrate phức hợp.
2. Chỉ ăn thực phẩm thực vật, không ăn protein (đạm) động vật
– Quan niệm sai lầm: Một số người cho rằng protein động vật “nuôi” tế bào ác tính, khiến khối u lan rộng. Vì vậy, họ chọn chế độ ăn thuần chay hoặc chỉ ăn rau củ quả.
– Thực tế:
. Người bệnh ung thư thường đối diện nguy cơ thiếu protein, suy mòn.
. Protein có vai trò quan trọng trong việc duy trì khối cơ, củng cố hệ miễn dịch, tái tạo mô và chống nhiễm trùng. Cắt bỏ hoàn toàn thịt, cá, trứng, sữa dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, mất khối cơ, giảm khả năng chịu đựng hóa trị, xạ trị.
. Thịt trắng (thịt gia cầm), cá biển sâu (cá hồi, cá thu, cá ngừ), trứng, sữa tách béo… đều là nguồn protein chất lượng cao, cần thiết cho quá trình phục hồi của người bệnh.
Ảnh minh họa một số thực phẩm chứa nhiều protein tốt cho bệnh nhân ung thư
3. Nhịn ăn hoặc áp dụng chế độ nhịn gián đoạn để “giảmbớt năng lượng nuôi tế bào ung thư”
– Quan niệm sai lầm: Xu hướng “fasting” hay “nhịn ăn gián đoạn” nổi lên những năm gần đây, được quảng bá có tác dụng hỗ trợ chống ung thư bằng cách làm đói tế bào ác tính.
– Thực tế:
. Hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh lợi ích của nhịn ăn gián đoạn đối với người bệnh ung thư
. Nhịn ăn kéo dài có thể gây mất cơ, suy dinh dưỡng và suy giảm sức đề kháng.
. Các tổ chức uy tín như NCCN đều chưa khuyến cáo người bệnh ung thư nhịn ăn. Thay vào đó, họ khuyến khích duy trì chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng và điều chỉnh theo tình trạng riêng.
II. Những tác hại của việc ăn kiêng quá mức đối với người bệnh ung thư
1. Suy dinh dưỡng và sụt cân trầm trọng
Khi kiêng khem cực đoan cơ thể sẽ thiếu các chất thiết yếu để duy trì hoạt động. Hậu quả là người bệnh mất khối cơ, sụt cân, suy dinh dưỡng protein năng lượng; dẫn đến giảm sức đề kháng, tăng biến chứng và làm giảm hiệu quả điều trị.
2. Giảm khả năng phục hồi sau điều trị
– Phẫu thuật: Chậm lành vết thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, kéo dài thời gian nằm viện
– Hóa trị, xạ trị: Tăng tác dụng phụ, giảm hiệu quả điều trị, gián đoạn liệu trình.
3. Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và tăng nguy cơ biến chứng
Thiếu hụt dinh dưỡng làm suy giảm các tế bào miễn dịch (bạch cầu, lympho bào…), gia tăng nguy cơ nhiễm trùng (hô hấp, tiêu hóa…). Mỗi đợt nhiễm trùng là một “cú sốc” cho cơ thể vốn đã yếu, khiến quá trình điều trị ung thư gặp nhiều trở ngại.
Kết Luận
– Ăn kiêng không đúng cách có thể gây hại nhiều hơn lợi.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn.
Người bệnh ung thư không nên tự ý áp dụng các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt mà cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, cá nhân hóa theo tình trạng sức khỏe. Một chế độ ăn hợp lý sẽ là “đồng minh” hỗ trợ cơ thể chiến đấu và phục hồi tốt hơn.