Dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư vú

     Ước tính có 30% bệnh ung thư liên quan trực tiếp đến chế độ dinh dưỡng. Tỉ lệ cao này có thể làm chúng ta ngạc nhiên vì thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày lại trở thành yếu tố rủi ro cho sức khỏe. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với người khỏe mạnh rất quan trọng, thì đối với người bệnh lại càng quan trọng hơn. Chúng ta cùng tìm hiểu về chế độ ăn cho người bệnh sau phẫu thuật ung thư vú để giúp người bệnh nhanh phục hồi sau phẫu thuật, nhanh liền vết mổ và giảm các biến chứng sau phẫu thuật.

  * Sau phẫu thuật ung thư vú bệnh nhân mất máu, mất dịch thể, cảm thấy đau vết mổ, ăn uống kém hơn do sức khỏe chưa hồi phục, tâm lý ăn uống kiêng khem sợ tạo sẹo hoặc mưng mủ vết mổ … Vì vậy, chúng ta cần giáo dục và xây dựng cho bệnh nhân một chế độ ăn đúng sau phẫu thuật.

 * Khẩu phần ăn hàng ngày cần đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ dưỡng chất cho người bệnh đặc biệt là hàm lượng protein cũng như vitamin và các khoáng chất thiết yếu giúp cải thiện sức khỏe nhanh chóng.

 * Trong qúa trình tiến hành phẫu thuật và ngay sau PT chưa tỉnh mê, không thể cung cấp thức ăn bằng đường tiêu hóa, các bác sĩ điều trị sẽ chỉ định cho bệnh nhân nuôi dưỡng theo đường tĩnh mạch đảm bảo đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.

  12 – 24 giờ sau phẫu thuật quan điểm mới cho người bệnh ăn sớm sau khi tỉnh mê, bắt đầu khởi động ruột bằng nước cháo muối, nước cháo loãng, sữa, nước hoa quả và cho ăn từ 50 – 100ml/lần; 4 – 6 lần/ngày. Kết hợp với nuôi dưỡng tính mạch.

 

Description: E:\1.Linh\2. Khoa Dinh duong BV\Ảnh suất ăn-Test\ảnh 1 (5).JPG

 

  24 – 48 giờ sau phẫu thuật khẩu phần ăn tăng dần năng lượng và protein (bắt đầu từ 500kcal và 30 gam protein) ưu tiên chế độ ăn mềm, lỏng (cháo, phở, bún, miến, soup, …). Bổ sung thêm các bữa phụ bằng nước hoa quả, sữa, bánh qui. Thức ăn ăn kèm chế biến dạng mềm nhuyễn, hầm nhừ, nhai chậm, kĩ khi ăn. Dùng các loại thực phẩm có nhiều vitamin A,C, kẽm giúp nhanh liền vết mổ.

 

Từ ngày thứ tư trở đi chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng nhanh thể trạng và nhanh hồi phục sau mổ.  Bổ sung các thực phẩm cao năng lượng và dễ hấp thu (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…). Ăn đa dạng các loại rau củ quả tươi.

   Dinh dưỡng đặc hiệu giúp nhanh lành vết mổ:

  * Tăng cường các thực phẩm giàu đạm (thịt bò, thịt gà, cá, trứng, sữa, …); các thực phẩm giàu kẽm (sò, hàu, tôm, cua…); các thực phẩm giàu sắt (thịt bò, gan, tiết động vật, thịt dê, thịt cừu…); các thực phẩm giàu vitamin A (cá, cà rốt, cà chua, bí đỏ, đu đủ, lòng đỏ trứng …); các thực phẩm giàu vitamin C (cam, bưởi, dứa, rau ngót… ).

Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung các thêm các bữa phụ bằng hoa quả, sữa, sữa chua, bánh quy, các loại hạt…

  Lưu ý:

  – Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.

  – Khuyến khích bệnh nhân ăn tự nguyện và chọn các món ăn, các thực phẩm theo sở thích của bệnh nhân.

  – Vận động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Tại bệnh viện Ung bướu Nghệ An, tùy từng người, từng mặt bệnh chúng tôi có chế độ dinh dưỡng riêng biệt, góp phần nâng cao sức khỏe và tăng hiểu quả điều trị.

DINH DƯỠNG HỢP LÝ LÀ NỀN TẢNG CHO SỨC KHỎE!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *