Dinh dưỡng – chìa khóa vàng giúp cải thiện tình trạng chán ăn ở người bệnh ung thư

Chán ăn là một trong những triệu chứng phổ biến ở người bệnh ung thư, đặc biệt trong và sau quá trình hóa trị, xạ trị. Chán ăn làm giảm lượng thực phẩm ăn vào dẫn đến sụt cân, suy giảm khối lượng cơ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị, tăng nguy cơ biến chứng, giảm chất lượng sống và tăng nguy cơ tử vong của người bệnh.

1. Nguyên nhân gây chán ăn ở người bệnh ung thư:

– Tác dụng phụ của hóa trị/xạ trị: gây viêm loét niêm mạc miệng, buồn nôn, nôn, khô miệng, rối loạn vị giác.

– Tình trạng trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi mạn tính: ảnh hưởng lớn đến cảm giác thèm ăn.

– Thay đổi chuyển hóa \trong cơ thể do khối u

– Khối u của các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa hoặc gây chèn ép đường tiêu hoá

Ảnh minh họa khi biết mình bị ung thư, nhiều người nảy sinh tâm lý chán ăn, bỏ ăn

2. Vậy làm sao để cải thiện tình trạng chán ăn?

Dưới đây là một số nguyên tắc và giải pháp dinh dưỡng để tăng cảm giác thèm ăn cho người bệnh ung thư.

* Chia nhỏ bữa ăn:

– Thay vì ăn 3 bữa chính, hãy chia thành 6-8 bữa nhỏ mỗi ngày.

– Mục đích: Giảm cảm giác đầy bụng, buồn nôn, giúp tiêu hóa nhẹ nhàng hơn và không tạo cảm giác ngán.

– Chia nhỏ bữa ăn giúp người bệnh dễ tiếp nhận hơn khi chán ăn: Khi không còn cảm giác thèm ăn, ý nghĩ phải ăn hết một bữa lớn có thể gây lo lắng, thậm chí dẫn đến từ chối ăn. Nhưng nếu chỉ cần ăn một lượng nhỏ, người bệnh cảm thấy “ít áp lực” hơn, từ đó dễ hợp tác hơn.

* Tăng cường thực phẩm giàu năng lượng và đạm:

– Bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ đường miệng ONS dạng sữa, nước uống dinh dưỡng y học phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh, cung cấp năng lượng và đạm dễ hấp thu trong thể tích nhỏ (1-2 kcal/1ml)

– Theo khuyến cáo của ESPEN và ESMO, các sản phẩm bổ sung năng lượng, đạm và vi chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng suy mòn và giảm tình trạng chán ăn.

– Tăng đậm độ năng lượng bằng cách bổ sung thêm thực phẩm giàu chất béo omega 3, đặc biệt EPA có tác dụng chống suy mòn cơ, chống viêm, cải thiện vị giác: dầu oliu, bơ, hạt dinh dưỡng (hạt điều, óc chó, hạnh nhân,…), cá biển ( cá hồi, cá thu, cá trích,…).

* Kích thích khẩu vị bằng cách trình bày món ăn đẹp, thay đổi thực đơn

– Người bệnh thường ăn bằng “mắt” trước. Một món ăn trình bày hấp dẫn sẽ tạo cảm giác dễ chịu hơn.

– Luân phiên món ăn để tránh nhàm chán. Có thể thay đổi cách chế biến: hấp, luộc, nấu súp, hầm…

– Không nên uống quá nhiều chất lỏng trước hoặc trong bữa ăn.

Ảnh minh họa chế biến thức ăn đơn giản, hạn chế sử dụng gia vị để người bệnh không bị khó chịu, nôn mửa trong quá trình ăn uống

* Tạo không khí bữa ăn thoải mái, vui vẻ

– Nên ăn cùng người thân thay vì ăn một mình, tránh đe dọa hoặc ép buộc.

– Người bệnh cần cảm thấy “ăn để sống khỏe”, không phải là gánh nặng.

* Sử dụng dụng cụ ăn bằng nhựa: do một số thuốc hóa trị làm cho người bệnh có vị kim loại trong miệng, điều này có thể giúp giảm mùi vị kim loại. Nấu trong nồi hay chảo thủy tinh cũng đem lại hiệu quả.

* Kết hợp chăm sóc tâm lý

– Nhiều người bệnh chán ăn vì trầm cảm hoặc lo lắng. Việc kết hợp hỗ trợ tâm lý, trò chuyện, đồng hành là yếu tố không thể thiếu.

– Đối với nhân viên y tế: Khi thấy bệnh nhân chán ăn. Hãy chủ động tư vấn, nhẹ nhàng khuyến khích hoặc mời bác sĩ dinh dưỡng cùng tham gia. Sự phối hợp liên chuyên khoa là yếu tố then chốt để người bệnh phục hồi.

– Đối với người nhà: Thay vì ép ăn, hãy lắng nghe người bệnh. Đôi khi một lời động viên đúng lúc sẽ tiếp thêm tinh thần giúp người bệnh cố gắng ăn thêm nhiều hơn.

* Vận động thể lực: Tăng cảm giác thèm ăn bằng tăng vận động. Người bệnh có thể đi bộ ngắn trước bữa ăn.

Nếu người bệnh không thể ăn trong thời gian dài và đang sụt cân thì có thể cần sự can thiệp của thuốc làm tăng sự thèm ăn (Megestrol acetate, corticosteroids, metoclopramide …)  hoặc chỉ định ăn qua ống sonde.

Lưu ý: Mỗi người bệnh có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, nên cần được tư vấn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ phù hợp.

Chán ăn là một thách thức lớn với người bệnh ung thư, nhưng hoàn toàn có thể cải thiện nếu can thiệp sớm bằng chiến lược dinh dưỡng phù hợp. Hãy kiên nhẫn, đồng hành và trao cho người bệnh quyền được ăn theo cách phù hợp nhất với họ.

Tác giả: Bs. Nguyễn Thị Thanh Thủy- Khoa Dinh Dưỡng – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *