Điều trị ung thư tuyến giáp tại bệnh viện ung bướu nghệ an

Ung thư tuyến giáp (UTTG) là ung thư phổ biến nhất của hệ nội tiết, chiếm tới 90% và tỷ lệ tử vong chiếm 63% trong tổng số tử vong do ung thư tuyến nội tiết. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, UTTG chỉ chiếm 1-2% trong tất cả các loại ung thư.

Về lâm sàng, UTTG thường biểu hiện bằng khối u giáp ở giai đoạn sớm hay chỉ là hạch cổ di căn đơn độc, hoặc một ung thư biểu hiện rõ trên lâm sàng với đầy đủ tính chất ác tính.

Việc chẩn đoán UTTG dựa vào lâm sàng, cận lâm sàng như siêu âm vùng cổ, tế bào học khối u.

Về điều trị, phẫu thuật là phương pháp đóng vai trò quyết định, các phương pháp khác chỉ có vai trò điều trị bổ trợ. Nhưng hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về phẫu thuật đối với UTTG, có tác giả cắt thùy và eo giáp, có tác giả cắt gần toàn bộ tuyến giáp khi ung thư đang ở giai đoạn sớm rồi theo dõi, có tác giả khuyên nên cắt toàn bộ tuyến giáp có hoặc không kèm theo vét hạch cổ, sau đó điều trị bổ trợ bằng I131 ngay cả khi chưa có di căn xa. Tùy theo phương pháp phẫu thuật mà tỷ lệ các tai biến, biến chứng khác nhau.

Phẫu thuật tuyến giáp đã có từ lâu đời và ngày càng phát triển hơn nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất đồng thời cũng để lại ít di chứng nhất. Trước đây, đối với các khối bướu ở tuyến giáp, bác sĩ phẫu thuật thường chỉ cắt bỏ khối bướu đó (gọi là phẫu thuật lấy bướu). Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này không còn được dùng nữa do sau phẫu thuật phần tuyến giáp đã mổ lấy bướu sẽ bị thay đổi. Nếu có một bướu tuyến giáp khác phát triển tại vị trí đó thì phẫu thuật lần thứ 2 sẽ rất khó khăn và để lại nhiều di chứng hơn. Do đó phẫu thuật ít nhất trong bướu tuyến giáp là phẫu thuật cắt toàn bộ 1 thùy của tuyến giáp (tuyến giáp có 2 thùy 2 bên được nối bằng eo giáp ở giữa). Nếu phẫu thuật cắt hết 1 thùy và 1 phần của thùy còn lại gọi là phẫu thuật cắt giáp quá bán (subtotal). Nếu phẫu thuật cắt gần hết tuyến giáp và chỉ chừa lại rất ít tuyến giáp (không đáng kể) gọi là phẫu thuật cắt giáp gần toàn phần (near-total) và nếu toàn bộ tuyến giáp được lấy đi thì gọi là phẫu thuật cắt giáp toàn phần.

Để điều trị một khối bướu ung thư, bác sĩ thường cắt trọn khối bướu cùng với một phần mô bình thường xung quanh khối bướu. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn của các tổ chứng về điều trị ung thư tuyến giáp trên thế giới, phẫu thuật ung thư tuyến giáp là cắt hết toàn bộ tuyến giáp (cắt giáp toàn phần) hoặc có thể cắt gần hết tuyến giáp (cắt giáp gần toàn phần).

Đó là do trong khi điều trị trước đây, các bác sĩ thấy rằng nếu chỉ cắt hết khối bướu hoặc chừa lại 1 phần mô tuyến giáp bình thường thì trong tương lai khả năng bướu tái phát trên phần mô giáp còn lại cao, và khi đó việc phẫu thuật lại cũng khó khăn hơn nhiều.

Nếu bác sĩ phát hiện thấy các hạch bạch huyết xung quanh tuyến giáp hoặc gần đó đã có các tế bào ung thư lan đến (di căn hạch ) thì trong quá trình phẫu thuật ngoài cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bác sĩ còn lấy đi các hạch này (gọi là phẫu thuật nạo hạch cổ).

Trong một số trường hợp, người bệnh phát hiện khối ung thư tuyến giáp tình cờ bằng siêu âm khi khám bệnh định kì hoặc khi khám các bệnh khác. Lúc đó, bướu thường nhỏ hơn 1cm (không sờ thấy hoặc nhìn thấy bằng mắt thường), bác sĩ có thể quyết định phẫu thuật cắt 1 thùy tuyến giáp hoặc chỉ theo dõi định kì mà không cần mổ. Lý do là trong các trường hợp này, bướu phát triển rất chậm và khả năng bướu tái phát ở thùy còn lại là rất thấp.

 

Các tai biến, biến chứng gặp phải khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp rất ít khi xảy ra nếu được các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm phẫu thuật tuyến giáp thực hiện.

Cũng như tất cả các phẫu thuật khác, người bệnh cũng gặp các biến chứng của việc gây mê. Khả năng này còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, các bệnh khác kèm theo (như tim mạch, đái tháo đường…), có bị dị ứng thuốc trước đó… Thông thường các các sĩ gây mê sẽ đánh giá trước những khả năng này để đảm bảo cuộc phẫu thuật được thực hiện an toàn.

Chảy máu, hoặc tụ dịch, tụ máu sau khi mổ cũng có thể gặp. Đó là do một số mạch máu bị cắt trong lúc phẫu thuật, mặc dù đã được cầm máu nhưng vì một số lý do nào đó vẫn còn tiếp tục chảy rỉ rả, gây ra tình trạng tụ máu ở vùng cổ. Nếu tình trạng này ít, máu có thể tự cầm và tan sau đó. Tuy nhiên, nếu máu không tự cầm được, đôi khi phải thực hiện cuộc mổ thứ 2 để cầm lại những mạch máu đó. Tình trang vết mổ bị nhiễm trùng cũng có thể gặp nhưng rất ít vì vùng cổ là vùng tương đối sạch.

Người bệnh có thể bị khàn tiếng hoặc mất giọng tạm thời sau khi mổ. Điều này do trong lúc gây mê, bác sĩ có đặt một ống vào đường thở (ống nội khí quản) để giúp thở. Ống này có thể làm trầy xướt dây thanh làm sung nề và khàn tiếng sau mổ. Ngoài ra, phẫu thuật cũng có thể làm sang chấn dây thần kinh điều khiển dây thanh (nằm sát tuyến giáp) làm khàn tiếng hoặc mất giọng tạm thời. Tuy nhiên tất cả các tổn thương này đều có thể phục hồi.

Phẫu thuật cũng có thể làm tổn thương các tuyến cận giáp (bốn tuyến nhỏ nằm xung quanh tuyến giáp giúp điều chỉnh lượng can-xi trong máu). Điều này có thể gây ra giảm can-xi trong máu sau mổ làm người bệnh bị co cứng cơ, tê tay chân và dị cảm (rối loạn cảm giác).

Hầu hết người bệnh đều cảm giác ít đau vùng cổ sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Cảm giác đau này có thể nhiều hơn đối với những người có vết mổ lớn hơn do phải lấy kèm các hạch bạch huyết quanh tuyến giáp. Tuy nhiên, sau mổ người bệnh sẽ được dùng các thuốc giảm đau để cảm thấy thoải mái nhất. Một số người bệnh có thể than đau vùng lưng hoặc sau cổ là do tư thế nằm lúc mổ gây ra.

 

4 tuyến cận giáp

 Hầu hết người bệnh sẽ được xuất viện 1 đến 2 ngày sau mổ nếu không có các vấn đề cần phải theo dõi. Tuy nhiên, do các biến chứng cũng có thể gặp nhiều ngày sau mổ (như phù nề vùng mổ, tê tay chân nhiều…) nên người bệnh cũng cần chú ý và quay lại bệnh viện nếu thấy bất thường.

Mặc dù thời gian để có thể quay lại làm việc tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe chung cũng như tính chất công việc, hầu hết người bệnh có thể làm việc trở lại sau khi mổ 1 đến 2 tuần (trung bình là 1 tuần).

Người bệnh cũng cần tráng khuân vác những vật nặng trong ít nhất 1 tuần sau mổ. Đối với những người có công việc nặng nhọc thì thời gian nghỉ ngơi sau mổ có thể dài hơn.

 Thông thường, chiều dài của sẹo mổ khoảng 5-10cm tùy thuộc vào kích thước của tuyến giáp và có phải lấy hạch cổ kèm theo hay không.

Do sẹo vùng cổ có thể làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên các bác sĩ thường thực hiện các đường khâu da một cách thẩm mỹ nhất. Hầu hết mọi người đều có những nếp nhăn da vùng cổ, nếu thực hiện các đường rạch da theo những nếp này thì sẹo để lại sẽ khó thấy và thẩm mỹ nhất.

Tất cả người bệnh sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp đều phải sử dụng thuốc nội tiết thay thế tuyến giáp (còn gọi là hóc-môn tuyến giáp) và dùng liên tục sau này. Thuốc này thay thế chính xác lượng hóc-môn mà bình thường tuyến giáp người đó tiết ra, do đó liều lượng phải uống mỗi ngày không giống nhau ở mỗi người.

Hầu hết người bệnh không có bất kì ảnh hưởng gì do thuốc gây ra trừ các vấn đề do uống sai liều thuốc hoặc quên uống thuốc. Trong trường hợp này người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại liều lượng thuốc uống mỗi ngày hợp lý.

Một số ít người có bướu ung thư giáp nhỏ và được phẫu thuật cắt 1 thùy tuyến giáp, sau phẫu thuật nếu xét nghiệm cho thấy phần tuyến giáp còn lại vẫn đảm bảo tiết đủ hóc-môn tuyến giáp cho cơ thể thì không cần phải uống thuốc thay thế.

Hầu hết những người sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp đều không cần phải sử dụng thêm một phương pháp điều trị gì khác ngoại trừ uống thuốc hóc-môn tuyến giáp mỗi ngày. Một vài trường hợp bác sĩ đánh giá bướu có khả năng tái phát lại cao (như kích thước bướu lớn, có lan đến các hạch bạch huyết xung quanh hay bướu lan ra khỏi tuyến giáp) cần phải điều trị bằng i-ốt phóng xạ sau phẫu thuật. Khi đó, người bệnh sẽ được uống 1 viên thuốc có chứa một lượng nhỏ chất i-ốt phóng xạ. Chất này sau đó sẽ vào dòng máu và đi khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại.

Bài viết dựa trên một số thông tin tham khảo trong và ngoài nước nên có thể có một số thay đổi đối với từng cơ sở điều trị và với từng người bệnh cụ thể khác nhau. Để có được thông tin cụ thể và chi tiết nhất về bệnh và cách điều trị cụ thể của mỗi cá nhân, việc trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị của mình là cần thiết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *