Tác Giả: | ThS.BS. Phạm Thị Hường |
Hiệu đính: | 1. ThS.BS Nguyễn Viết Bình |
2. BS.CKII Nguyễn Khánh Toàn |
Ung thư phổi tế bào nhỏ là một trong hai nhóm bệnh lý ác tính của ung thư phổi, chiếm khoảng 15%. Bệnh thường gặp ở nam giới, có mối liên quan mật thiết với tiền sử hút thuốc lá và một số yếu tố khác như ( tiếp xúc với amiang, radon, ô nhiễm môi trường, di truyền…). Bản chất là khối u thần kinh nội tiết kém biệt hóa, tiên lượng xấu bởi khối u thường tiến triển nhanh, di căn xa sớm. Tỉ lệ sống thêm toàn bộ 5 năm ở giai đoạn khu trú và lan tràn lần lượt là 30% và 3%.
Trên lâm sàng bệnh thường được chia thành 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn khu trú là khi bệnh còn giới hạn khu trú có thể bao phủ bởi một trường chiếu xạ (giới hạn ở một bên lồng ngực và hạch vùng). Giai đoạn lan tràn khi bệnh vượt quá giới hạn các vùng trên.
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ là điều trị đa mô thức, kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị miễn dịch tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, tuổi, thể trạng bệnh nhân, các bệnh lý kết hợp… Tuy nhiên các biện pháp điều trị chủ yếu hiện nay vẫn là hóa chất và xạ trị.
Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn khu trú, hóa xạ trị đồng thời phác đồ Etoposide- platinum được coi là điều trị chuẩn cho hầu hết bệnh nhân. Sau khi điều trị bệnh đáp ứng, bệnh nhân được xạ trị dự phòng não và khám định kỳ mỗi 3 tháng/ lần trong 1-2 năm đầu, sau đó mỗi 6 tháng trong năm thứ 3 và sau đó theo dõi hàng năm. Ở giai đoạn này chỉ có khoảng 5% bệnh nhân giai đoạn I-IIA ( T1-T2N0M0) đủ điều kiện phẫu thuật. Xạ trị định vị thân (SABR) được khuyến nghị cho những bệnh nhân không đủ điều kiện hoặc không đồng ý phẫu thuật.
Ở giai đoạn lan tràn, trước đây điều trị hóa chất vẫn là chủ yếu. Hóa trị thường được sử dụng là phác đồ Etoposide – Platinim hoặc Irinotecan – platinum. Gần đây với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, các thuốc miễn dịch đã được ứng dụng trong điều trị mở ra kỉ nguyên mới trong điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi tế bào nhỏ nói riêng. Đây là phương pháp điều trị ung thư bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh nhằm chống lại tế bào ung thư thông qua nhiều phương pháp khác nhau. Thông qua các điểm kiểm soát miễn dịch PD-1/PD-L1, CTLA-4 các protein ngăn cản hệ thống miễn dịch bị vô hiệu hoá, từ đó “dọn đường” cho các tế bào miễn dịch nhận diện, tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. Tại Việt Nam, các thuốc miễn dịch đã được phê duyệt trong điều trị gồm: Durvalumab, Atezolizumab, Pembrolizumab, Nivolumab, Ipilimumab.
CASPIAN là thử nghiệm lâm sàng pha III, ngẫu nhiên, đa trung tâm trên 537 bệnh nhân giai đoạn lan tràn so sánh điều trị có hoặc không kết hợp Duvalumab với hoá chất bộ đôi, cho thấy lợi ích về thời gian sống thêm toàn bộ kéo dài hơn ở nhánh điều trị miễn dịch là 12,9 tháng so với 10,5 tháng ở nhánh hoá trị, giảm 29% nguy cơ tử vong so với chỉ dùng hoá trị liệu. Tại thời điểm theo dõi sau 3 năm có đến 17,6% số bệnh nhân được điều trị miễn dịch kết hợp với hoá chất còn sống, trong khi điều trị hoá chất đơn thuần tỷ lệ này là 5,8%. Tác dụng phụ ghi nhận tương tự ở cả 2 nhanh, việc kết hợp thuốc miễn dịch không làm tăng nguy cơ các độc tính nghiêm trọng trên bệnh nhân.
Tương tự như vậy, Nghiên cứu IMPOWER 133 trên 403 bệnh nhân giai đoạn lan tràn so sánh giữa điều trị hóa trị bộ đôi có hoặc không kết hợp Atezolizumab cho thời gian sống thêm toàn bộ và sống thêm bệnh không tiến triển ở nhóm có kết hợp thuốc miễn dịch là 12,3 và 5,2 tháng, cao hơn so với điều trị hóa chất đơn thuần 10,3 tháng và 4,3 tháng. Không có sự khác biệt về độc tính khi so sánh giữa hai nhóm bệnh nhân này.
Tóm lại Ung thư phổi tế bào nhỏ là bệnh lý ác tính có tiên lượng xấu, lựa chọn điều trị hạn chế chủ yếu dựa vào hóa chất và tia xạ. Những tiến bộ gần đây đặc biệt là sự ra đời của liệu pháp miễn dịch giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng sống một cách đáng kể, mang lại nhiều kỳ vọng hơn cho bệnh nhân.
*Chương trình được tài trợ bởi AstraZeneca vì mục đích giáo dục y khoa