Basedow là một bệnh phổ biến trong các bệnh nội khoa nói chung và các bệnh nội tiết nói riêng. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam (80%), đặc biệt là phụ nữ trẻ từ 21 – 30 tuổi. Tại khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An triển khai điều trị cho bệnh nhân Basedow bằng I-131 từ ngày đầu thành lập, với trên 4.000 lượt điều trị.
Vậy cần tìm hiểu về bệnh Basedow và phương pháp điều trị bằng 131I như thế nào?
I. Bệnh Basedow
1. Nguyên nhân:
Hiện nay người ta vẫn chưa xác định được một cách chính xác nguyên nhân gây bệnh, người ta cho rằng bệnh phát sinh liên quan đến những yếu tố sau:
- Chấn thương tinh thần
- Căng thẳng tinh thần kéo dài
- Uống hoặc ăn nhiều thức ăn chứa iốt kéo dài
- Dùng lithium làm thay đổi đáp ứng miễn dịch
- Ngừng corticoid đột ngột
- Nhiễm trùng, nhiễm virus
- Yếu tố di truyền
- Một số yếu tố khác.
2. Biểu hiện:
Bệnh Basedow thường có biểu hiện của hội chứng cường giáp, với các triệu chứng: ăn khỏe, tinh thần bất ổn, nhịp tim nhanh hơn 90 lần/phút, tiếng tim đập mạnh, huyết áp tăng, xuất hiện bướu cổ lan tỏa (bướu cổ là dấu hiệu thường gặp ở khoảng 80% các bệnh nhân Basedow, mức độ to của bướu giáp có thể thay đổi sau khi được điều trị, nhất là ở những bệnh nhân mới bị bệnh), run đầu chi, gầy sút cân mặc dù ăn bình thường hoặc ăn nhiều, mắt lồi, tính tình thất thường hay cáu gắt hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn điều hòa thân nhiệt với biểu hiện da nóng ẩm, có tăng nhẹ nhiệt độ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn sinh dục biểu hiện bằng suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt…
3. Các phương pháp điều trị:
Điều trị nội khoa: Là phương pháp hữu hiệu để đưa bệnh nhân về trạng thái bình giáp và là cơ sở giúp các phương pháp điều trị khác đạt hiệu quả tốt. Thời gian điều trị kéo dài 6-12 tháng, ít biến chứng. Tuy nhiên lại có tỉ lệ tái phát cao,các thuốc kháng giáp tổng hợp gây ra một vài biến chứng.
Điều trị ngoại khoa: Là phương pháp cổ điển nhất hiện nay, bệnh nhân được cắt bỏ bán phần tuyến giáp. Nhược điểm của phẫu thuật: Có một tỉ lệ nhất định bị suy giáp, cần điều trị hormon thay thế; cường giáp có thể tái phát; có thể gây tổn thương cấu trúc lân cận tuyến giáp.
II. Điều trị bằng iốt phóng xạ: Được chỉ định rất rộng rãi ở tất cả các bệnh nhân (thuộc mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em) được chẩn đoán xác định là có cường giáp trạng hay Basedow chưa qua bất kỳ phương pháp điều trị nào (như điều trị nội khoa, phẫu thuật); hoặc tái phát sau điều trị nội khoa, tái phát sau phẫu thuật; biến chứng sau điều trị nội khoa (dị ứng, nhiễm độc gan, giảm bạch cầu, suy tuỷ xương sau điều trị bằng thuốc kháng giáp), hoặc bệnh nhân không còn chỉ định phẫu thuật…
1. Iode phóng xạ là gì?
Từ Iode bình thường có thể sử dụng các máy gia tốc để chế biến thành 2 loại Iode có khả năng giải phóng các tia phóng xạ (radiation) được sử dụng cho mục đích y khoa: I-123 (vô hại với tế bào tuyến giáp, thường dùng để chẩn đoán) và I-131 (có thể phá hủy tế bào tuyến giáp, được sử dụng cho cả chẩn đoán và điều trị). Có thể sử dụng Iode phóng xạ an toàn cho những người có dị ứng với hải sản hoặc chất cản quang có chứa Iode vì thực ra người bệnh phản ứng với hợp chất chứa Iode chứ không phải Iode.
2. Phòng ngừa biến chứng khi điều trị bằng Iode phóng xạ I-131
Vì I-131 có khả năng phóng xạ nên các BN cần cố gắng để tránh tiếp xúc tia xạ với người khác, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Lượng tia xạ phơi nhiễm sẽ giảm đáng kể nếu khoảng cách từ BN đến người khác tăng lên.
Các BN phải di chuyển bằng máy bay ngay sau khi uống I-131 nên mang theo thông báo của bác sĩ vì hệ thống cảnh báo phóng xạ ở các sân bay có thể phát hiện tia xạ từ cơ thể bạn (dù nó ở mức an toàn) và nhân viên an ninh có thể ngăn không cho bạn nên máy bay. Những BN phải điều trị I-131 liều cao (Basedow, ung thư tuyến giáp…) cần phải ở trong phòng cách ly 3 – 7 ngày và chỉ có thể về nhà khi đã được đánh giá là an toàn.
3. Điều trị bệnh tuyến giáp bằng I-131 có thể có nguy cơ gì về lâu dài?
Nhìn chung, điều trị I-131 là phương pháp an toàn và có hiệu quả cao. Tuy có sự lo ngại nhưng các nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài không thấy có hậu quả nghiêm trọng. Nguy cơ gây ung thư tuyến giáp và các nguy cơ khác vẫn còn sự tranh cãi và nếu có thì là rất thấp.
Tuy nhiên các BN điều trị I-131 cần phải đi khám bệnh thường xuyên để phát hiện sớm các biến chứng, bao gồm cả ung thư. Biến chứng phổ biến nhất là suy giáp nhưng may mắn là rất dễ điều trị. Các biến chứng khác có thể gặp như khô miệng và mất vị giác do tuyến nước bọt bị phá hủy.
III. Các lưu ý đặc biệt
– Cho phụ nữ
+ Không bao giờ được dùng Iode phóng xạ, dù là I-123 hay I-131 để chẩn đoán hay điều trị cho các phụ nữ có thai.
+ Những phụ nữ muốn có con phải đợi ít nhất 6-12 tháng sau điều trị I-131, vì buồng trứng cũng có nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ.
+ Cho đến nay không có bằng chứng nào về việc điều trị Iode phóng xạ có thể gây vô sinh, nhưng nó có thể gây mãn kinh sớm.
– Cho nam giới
Các bệnh nhân nam được điều trị Iode phóng xạ có thể bị giảm số lượng tinh trùng và bị vô sinh tạm thời trong khoảng 2 năm. Vì thế các BN phải điều trị Iode phóng xạ nhiều đợt (ví dụ ung thư tuyến giáp) thì nên gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng.