Buồng tiêm dưới da là một hệ thống bao gồm ống thông và buồng tiêm trong đó ống thông được đặt vào tĩnh mạch lớn trung tâm và buồng tiêm được cấy hoàn toàn vào mô dưới da, nơi dễ sờ thấy nhằm mục đích tạo điều kiện có thể tiếp cận với vòng tuần hoàn chung một cách thuận lợi, dễ dàng và lặp đi lặp lại nhiều lần. Buồng tiêm dưới da được chỉ định chủ yếu cho những bệnh nhân cần tiến hành hóa trị liệu.
Tại bệnh viện ung Bướu Nghệ An chúng tôi đã triển khai đặt buồng tiêm truyền cho nhiều bệnh nhân ung thư vú, ung thư gan, ung thư đại trực tràng…và đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị. Trước đây, hầu hết bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất đều xảy ra tình trạng viêm xơ cứng mạch nếu chích gây hoại tử phần mềm.…do các loại thuốc hóa trị gây kích ứng da, mô và tĩnh mạch ngoại vi. Việc tiêm truyền vào tĩnh mạch lúc này lại càng khó khăn hơn. Riêng những bệnh nhân được đặt buồng tiêm dưới da sẽ rất dễ dàng, thuận lợi trong việc tiêm truyền lẫn lấy máu xét nghiệm vì chỉ cần chọc kim vào ngay buồng tiêm dưới da này là có thể tiêm thuốc hoặc lấy máu dễ dàng.
1. Chỉ định, chống chỉ định
1.1 . Chỉ định:
• Trong các trường hợp phải truyền dịch hay thuốc vào tĩnh mạch lâu dài, trong khi các tĩnh mạch nhỏ của cơ thể không dùng được nữa.
• Bệnh ung thư cần truyền hóa chất lặp đi lặp lại nhiều lần và thuốc có thể gây tổn thương tĩnh mạch hoặc tạo huyết khối.
• Bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa hoặc tiên lượng cần phải phối hợp dinh dưỡng ở giai đoạn hậu phẫu và lâu dài sau giai đoạn hóa trị, xạ trị.
• Bệnh lý ung thư đã điều trị ổn định, dự kiến kế hoạch cần sử dụng buồng tiêm trong chăm sóc giảm nhẹ và điều trị đau với tiên lượng sống trên 3 tháng.
• Thuốc cần truyền vào tĩnh mạch trung tâm, truyền máu, truyền dịch lâu dài từ 3 – 10 năm.
• Trẻ em hay người lớn cần nuôi dưỡng hoàn toàn đường tĩnh mạch.
1.2 . Chống chỉ định:
• Tiền sử dị ứng với thành phần của buồng tiêm (silicone, titan).
• Có viêm tại chỗ đặt buồng tiêm hoặc tình trạng nhiễm khuẩn huyết, có rối loạn đông máu.
2. Tiến trình thực hiện kỹ thuật
• Siêu âm đánh giá lựa chọn đường vào phù hợp.
• Đảm bảo nguyên tắc vô trùng tuyệt đối.
• Gây tê tại chỗ với Lidocain 1%.
• Dưới hướng dẫn siêu âm, đâm kim vào tĩnh mạch (thường là tĩnh mạch cảnh trong hoặc dưới đòn).
• Luồn guide .
• Luồn ống thông đến tĩnh mạch chủ trên gần nhỉ phải.
• Tạo hầm cho buồng tiêm (thường dưới da trước ngực)
• Tạo đường hầm, đưa ống thông ra nối với buồng tiêm.
• Vùi buồng tiêm dưới da.
• Khâu khép da chỉ tan.
• Kiểm tra chính xác sau mỗi bước thực hiện.
• Băng lại.
3. Ưu và nhược điểm của kỹ thuật
3.1. Ưu điểm:
• Đặt buồng tiêm dưới da dưới hướng dẫn của siêu âm sẽ đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật và tránh được những biến chứng so với đặt mù.
• Giảm bớt số lần bệnh nhân bị đâm kim vào người do khó khăn trong việc truyền tĩnh mạch ngoại vi.
• Hệ thống nằm hoàn toàn dưới da, lúc không cần tiếp cận, không có ống nằm ngoài cơ thể nên rất thuận tiện (bệnh nhân có thể tắm bồn), ít nhiễm trùng và thẩm mỹ.
• Buồng tiêm có thể chịu được số lần đâm rất lớn từ 1000 – 3600 lần nhưng cần phải sử dụng loại kim chuyên biệt.
3.2. Nhược điểm:
• Có một số biến chứng nhưng tỷ lệ rất thấp nếu được thực hiện bởi người nhiều kinh nghiệm: chảy máu, tràn khí màng phổi, rò động tĩnh mạch, rò thuốc qua buồng tiêm, tắc buồng tiêm…