Bệnh nhân khi nhập viện cấp cứu là thời điểm sinh mạng mong manh “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó cũng là thời điểm mà người bác sĩ cấp cứu hồi sức phải luôn luôn chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh…
Một ngày đầu tháng Mười năm 2020, Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tiếp nhận một ca cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch: đau tức ngực trái, khó thở dữ dội, tím tái, suy hô hấp nặng (spo2 80%), thở ngáp, vã mồ hôi, thông khí phổi trái mất hoàn toàn. Bệnh nhân là Nguyễn Đức H. (62 tuổi, trú tại huyện Diễn Châu, Nghệ An).
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, đánh giá ban đầu đây là một ca bệnh nặng, có thể tiến triển ngừng tuần hoàn chỉ trong vài phút, nguy cơ tử vong rất cao. Vấn đề quan trọng nhất đó là tình trạng của bệnh nhân cực kỳ nguy kịch, không đủ thời gian và đặc biệt không thể di chuyển bệnh nhân nên không thể tiến hành các xét nghiệm và thăm dò chẩn đoán hình ảnh thường quy.
Ê-kíp trực khẩn trương cấp cứu cho bệnh nhân
Ngay lúc này, trưởng tua trực cấp cứu, BSCKII. Nguyễn Công Đức – Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, đã ra y lệnh tiến hành siêu âm cấp cứu ngay tại giường bệnh và nhận định đây là một trường hợp tràn khí màng phổi trái lượng nhiều, đồng thời nhanh chóng tiến hành dẫn lưu màng phổi cấp cứu cho bệnh nhân bằng catheter 1 nòng. Sau những giây phút nghẹt thở theo dõi của cả ê-kíp, tình trạng bệnh nhân đã có biểu hiện tốt hơn, các chỉ số ổn định dần, SPO2 tăng lên 97%, thở nhẹ hơn, thông khí phổi phải dần nghe rõ.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy hiểm và phải hút áp lực âm màng phổi liên tục. Mặc dù tình trạng tràn khí đã được giải quyết nhưng bệnh nhân phải phụ thuộc vào máy hút áp lực âm, chỉ cần kẹp ống dẫn lưu bệnh nhân 5 phút thì tình trạng suy hô hấp lại tái diễn. Sau khi tổ chức hội chẩn toàn khoa, nhận định đây là một trường hợp có lỗ thủng màng phổi khó liền, ê-kíp quyết định tiến hành mở màng phổi tối thiểu bằng ống dẫn lưu lớn.
Trực tiếp tham gia trong ê-kíp cấp cứu cho bệnh nhân, Ths.BS. Thái Hoàng Long cho biết: “Sau thủ thuật bệnh nhân tiếp tục được hút áp lực âm màng phổi -20 cmH20 liên tục. Đến ngày thứ 3 tình trạng tràn khí màng phổi đã được cải thiện. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, sức khỏe cũng đã dần hồi phục”.
BSCKII. Nguyễn Công Đức, Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực chia sẻ: “Công việc của bác sĩ cấp cứu là luôn phải đối mặt với các tình huống khẩn cấp, đòi hỏi bác sĩ phải thành thạo kỹ thuật cấp cứu, quyết đoán, chẩn đoán và xử trí nhanh mới kịp thời cứu chữa bệnh nhân”.
BSCKII. Nguyễn Công Đức luôn tâm niệm “nghề y là nghề cao quý”
Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, đôi khi, chỉ một phút hoặc một giây thôi cũng có thể quyết định sinh mạng con người. Và lúc này người thầy thuốc cần phải giữ cho mình một “trái tim nóng và cái đầu lạnh” để có thể xử lý chính xác tình huống nhằm cứu sống người bệnh. Với vai trò là Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, bác sĩ Nguyễn Công Đức luôn tâm niệm “nghề y là nghề cao quý”, coi người bệnh như người thân của mình, hết lòng cứu chữa và chăm sóc sức khoẻ cho họ. “Những nụ cười của bệnh nhân khi vượt qua cơn sinh – tử chính là động lực cho những người thầy thuốc như chúng tôi vượt qua mọi gian nan, vất vả, tiếp tục cống hiến hết tâm sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân” – Bác sĩ Nguyễn Công Đức chia sẻ thêm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Lương y phải như từ mẫu” – Nghề thầy thuốc là một sứ mệnh thiêng liêng cao cả của lòng nhân ái. Y đức được coi là phẩm chất tốt đẹp của những người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ và thương yêu chăm sóc cho người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Công Đức là một trong những điển hình cho những “chiến sĩ blouse trắng” giỏi chuyên môn, giàu y đức của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An luôn âm thầm cống hiến để mang lại những sự sống diệu kỳ…