Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám chữa bệnh, tháng 8/ 2017, tổ Công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu Nghệ An được thành lập, trực thuộc phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện và công tác xã hội.
Tổ công tác xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và nhân viên y tế. Công tác xã hội trong bệnh viện thực sự có vai trò rất quan trọng, nếu tiếp tục thực hiện và thực hiện tốt sẽ góp một phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hiện tại, Tổ công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã và đang đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể như:
– Đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh ngay từ khi người bệnh vào khoa khám bệnh;
– Tổ chức hỏi thăm người bệnh và người nhà người bệnh để năm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện;
– Hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh…
Bên cạnh đó, tổ công tác xã hội đã kêu gọi, vận động các cơ quan, ban ngành, tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm, CB CNV ủng hộ để giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị nội trú tại đây, thông qua các hoạt động như: phát cơm, cháo, suất ăn bệnh lý miễn phí; hỗ trợ tiền cho bệnh nhân không có tiền điều trị, bệnh nhân không có người thân…; đồng thời xây dựng “gian hàng 0 đồng” cho người bệnh với phương châm “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”
Sự ra đời của Tổ công tác xã hội Bệnh viện đã góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và bệnh viện, qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện.