Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa đường, gây tăng đường huyết mãn tính kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid, protid và điện giải. Hậu quả muộn của các rối loạn chuyển hóa này là tổn thương các vi mạch, các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn dẫn tới các tai biến như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh mạch vành dẫn đến suy tim…
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư thông qua các tác động đến các quá trình chuyển hoá của tế bào. Đồng thời chế độ ăn cũng là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.
- Nguyên tắc dinh dưỡng:
- Đủ chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng với khối lượng hợp lý
- Không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn
- Hạn chế được các rối loạn chuyển hóa
- Lựa chọn thực phẩm chỉ số đường huyết thấp: các loại rau củ quả tươi, gạo nguyên cám, hoa quả ít ngọt (cam, ổi, thanh long, bưởi…)
- Tăng cường chất xơ: 200g- 400g/ngày (rau, củ, quả )
- Trong bữa ăn: Chia khẩu phần rau củ quả làm 2 phần, 1 phần ăn trước, phần còn lại ăn cùng cơm và thức ăn nhằm kiểm soát đường máu sau ăn.
- Nước: 40ml/kg/ngày
- Vận động: 15-30 phút/ngày tùy theo thể trạng của bệnh nhân (đạp xe, đi bộ, bóng chuyền,…)
II. Lời khuyên dinh dưỡng
1. Lựa chọn thực phẩm
a. Thực phẩm nên dùng
– Các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, bún, phở, bánh đúc…(Nên chọn các loại gạo lứt, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, bánh đúc…).
– Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt và canxi như thịt nạc, cá nạc, tôm, cá nhỏ cả xương, cua…
– Đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, đậu nành…).
– Các loại dầu thực vật có các acid béo không no cần thiết cho cơ thể như: dầu hạt cải, dầu mè, dầu oliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành…
– Ăn đa dạng các loại rau (đặc biệt các loại rau có tính nhuận tràng như: rau khoai lang, rau mồng tơi, rau đay…).
– Các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình: gioi, thanh long, bưởi, ổi, cam, đu đủ chín…
– Các loại sữa có chỉ số đường huyết thấp: glucena, nutricare cerna…
b. Thực phẩm hạn chế dùng
– Miến dong, bánh mỳ trắng.
– Các loại bột được tinh chế: bột sắn dây, bột dong…
– Phủ tạng động vật như: tim, gan, cật, lòng, óc…
– Mỡ động vật, bơ.
– Các loại quả có hàm lượng đường cao như: na, nhãn, vải, mít, hồng xiêm, chôm chôm…
c. Thực phẩm không nên dùng
– Các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường.
– Các loại quả sấy khô.
– Rượu, bia, nước ngọt có đường…
2. Chế biến thực phẩm
– Hạn chế các món chiên, rán, nướng, ăn thịt gà nên bỏ da.
– Dùng dầu thực vật ở nhiệt độ dưới 100 độ C.
– Các loại khoai củ: không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết cao.
– Hạn chế sử dụng các loại nước quả ép, xay sinh tố: nên ăn cả múi, miếng để có chất xơ.
3. Chú ý
– Không nên ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao đơn độc, nên ăn phối hợp các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao với các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
– Trong bữa ăn, ăn rau trước khi ăn cơm.
– Luyện tập thể dục thể thao đều đặn hằng ngày, đi bộ sau ăn 20-30 phút giúp kiểm soát tốt đường máu sau ăn.
– Dựa vào thực đơn thay thế ăn đa dạng thực phẩm.
– Nên chia nhỏ bữa ăn: 3 bữa chính + 2-3 bữa phụ (20% bữa sáng, 30% trưa, 30% tối, 20% bữa phụ).