Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp cao gây ra nhiều áp lực cho tim, tăng gánh nặng cho tim và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Khi mắc bệnh cao huyết áp, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn đến các mô và khiến mạch máu bị tổn thương dần theo thời gian
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90mmHg.
Lưu ý: Đo ở 2 lần khám, mỗi lần khám được đo ít nhất 2 lần. Bệnh nhân được nghỉ ngơi trước khi đo 5 -10 phút.
1. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp (THA)
THA thường vô căn, người ta ghi nhận một số yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến bệnh. Trên thực tế, các yếu tố này thường tác động lẫn nhau.
– Yếu tố di truyền.
– Giới tính (nam, nữ mãn kinh).
– Tuổi tác > 60 tuổi.
– Đái tháo đường.
– Hút thuốc lá.
– Rối loạn chuyển hóa lipid.
– Sự quá cân (béo phì).
– Chế độ ăn nhiều muối, ít kali và canxi.
– Uống rượu nhiều.
– Chế độ sinh hoạt (làm việc, giải trí, nghỉ ngơi).
– Đời sống kinh tế và các áp lực tâm lý.
2. Phân loại tăng huyết áp (theo nguyên nhân)
– THA nguyên phát (THA vô căn): chiếm 80-85%
– THA thứ phát
– THA nhóm đặc biệt: THA thường xuyên; THA dao động; THA tâm thu ở người cao tuổi; THA ở người trẻ; THA & đột quỵ; THA & rối loạn chuyển hóa; THA ở người bệnh đái tháo đường; THA ở người bệnh thận; THA ở phụ nữ & phụ nữ có thai; THA cấp cứu & khẩn cấp; THA kháng trị
3. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị THA
– Hỗ trợ kiểm soát huyết áp, duy trì được huyết áp mục tiêu và giúp làm ổn định huyết áp.
– Giảm tối đa nguy cơ tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
4. Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị tăng huyết áp
– Ăn đủ, đa dạng các nhóm bột đường, đạm, chất béo, rau quả để đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể
– Ăn nhạt, hạn chế lượng muối và gia vị mặn đưa vào cơ thể
– Lượng chất xơ cung cấp từ khẩu phần ăn khoảng 14g/1000kcal.
– Lượng natri: 1600 -< 2000mg/ngày.
– Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là acid folic, vitamin B12, vitamin B6, vitamin D.
– Ưu tiên chế biến thức ăn thanh đạm, dưới dạng luộc, hấp
– Nhu cầu năng lượng: 30 – 35 Kcal/kg cân nặng/ngày.
+ Protein: 15 -< 20% tổng năng lượng.
+ Lipid: 20 – 25% tổng năng lượng.
+ Glucid: tỷ lệ phù hợp với tổng năng lượng.
+ Quản lý cân nặng bệnh nhân phù hợp, nếu bệnh nhân béo phì nên giảm cân.
5. Lựa chọn thực phẩm cho người bệnh tăng huyết áp
- Các loại thực phẩm nên dùng
– Khuyến khích ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ : gạo lứt, đa dạng các loại rau, quả chín (tối thiểu 300g rau và 200g quả tươi). Ưu tiên các lợi rau và trái cây giàu kali vì kali có tác dụng tốt cho tim mach, hỗ trợ phòng ngừa cao huyết áp( chuối, bơ, dưa hấu,nước dừa tươi, khoai lang, rau cải xanh, bí…). Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, không ép/xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ.
– Thực đơn đa dạng các loại thịt, cá, tôm, cua đặc biệt nên ăn cá 2- 3 lần/ tuần, có thể thay thế đạm thực vật như đậu phụ, các loại chế phẩm từ đậu để thay thế một phần lượng đạm cung cấp từ động vật trong ngày.
– Nên ăn các loại thực phẩm nhiều acid béo omega 3: cá hồi, cá thu…
5.2 Các loại thức phẩm hạn chế dùng:
– Không nên ăn mỡ,da các loại động vật, nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn: cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn…
– Không ăn nhiều các thực phẩm chiên rán nhiệt độ cao, hoặc các đồ ăn nhanh: mỳ tôm, xúc xích, khoai tây chiên, KFC…
– Không uống các loại đồ uống có cồn: bia, rượu…
– Không dùng các chất kích thích: cà phê, đồ uống có gas.
*** Chú ý: Tập thói quen đọc nhãn bao bì thực phẩm để biết số lượng natri và các chất dinh dưỡng sẽ dung nạp vào cơ thể.
Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng cho sức khỏe, trí tuệ và thể lực!