Hậu môn nhân tạo là gì?
Hậu môn nhân tạo là một chỗ mở ở ruột non hoặc ruột già trên thành bụng để phân di chuyển trong lòng ruột qua vị trí mở này và thoát ra ngoài vào một túi gắn ở thành bụng.
Hậu môn nhân tạo được mở tạm thời hoặc vĩnh viễn trên người bệnh sau cắt khối u trực tràng, u hậu môn hay toàn bộ hậu môn hoặc có bệnh lý rò trực tràng- âm đạo, rò trực tràng- bàng quang, chấn thương…
Người bệnh sau mổ sẽ mang một túi chứa đặt trên bụng, quanh miệng hậu môn nhân tạo. Bệnh nhân thường lo lắng, ngại giao tiếp, sợ bị xa lánh vì hậu môn nhân tạo gây bất tiện trong sinh hoạt và dễ tạo mùi khó chịu. Do vậy việc chăm sóc hậu môn nhân tạo là một vấn đề đáng quan tâm.
Cách chăm sóc, thay hậu môn nhân tạo
- Trang bị: Gạc mềm, nước muối sinh lý, khăn bông sạch, mềm, khô, túi chứa, xà phòng rửa tay…
- Chọn túi hậu môn nhân tạo phù hợp để làm sao đặt túi vừa sát hậu môn nhân tạo, tránh rò ở nơi keo dán túi. Hiện nay đã có nhiều loại túi chứa có màng xả khí và lọc mùi với than hoạt tính, tránh hiện tượng túi bị phồng lên khi đầy khí.
- Chăm sóc vùng da xung quanh miệng hậu môn nhân tạo bằng cách làm sạch da vùng này với nước ấm rồi dùng khăn khô lau nhẹ, cạo lông xung quanh da nơi chân hậu môn nhân tạo giúp túi dán không bị tróc.
- Nên: + Thay hoặc xả túi hậu môn nhân tạo khi phân đầy 2/3 túi.
+ Thay túi mỗi 3 -7 ngày, tùy loại túi.
Chế độ ăn uống
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, nhai kỹ thức ăn, ăn uống điều độ, chậm rãi, ăn thực phẩm giàu muối và kali, uống nhiều nước mỗi ngày.
- Bắt đầu ăn một lượng nhỏ đối với các loại thức ăn có nhiều chất xơ và nên nhai kỹ
- Cần cân nhắc đối với:
+ Những thức ăn dễ táo bón: phomát, đậu, chocolat, ngô, nho.
+ Những thức ăn nhuận tràng: trái cây, đậu xanh, gan,…
+ Những thức ăn nhiều gia vị: tiêu, tỏi, ớt, hành,…
+ Những thức ăn tạo hơi: bông cải, đậu, bưởi, dưa chuột, hột mít,…
+ Những thức ăn tạo mùi: mít, sầu riêng, củ kiệu, mắm, trứng, cá, thịt.
Vệ sinh cá nhân
- Người bệnh vẫn tắm rửa bình thường nhưng tránh chà xát xà phòng lên hậu môn nhân tạo. Sau khi tắm có thể mang túi mới sạch sẽ. Khi tắm tránh để tia nước vòi sen tưới trực tiếp lên hậu môn nhân tạo. Tránh dùng khăn hay gạc quá cứng để lau khô niêm mạc hậu môn.
- Nên chọn xà phòng trung tính, không để nước hay xà phòng chảy vào hoặc gây tổn thương hậu môn nhân tạo.
Sinh hoạt hằng ngày
- Người có mang túi hậu môn nhân tạo có thể: Làm việc, chơi thể thao và tham gia các hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ, khiêu vũ…
– Người bệnh cần tránh: Vận động mạnh, nâng các vật nặng quá sức, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm
Thông báo cho bác sĩ khi có các biến chứng
+ Chảy máu
+ Hậu môn nhân tạo tụt vào trong
+ Viêm loét vùng da quanh hậu môn nhân tạo
+ Sa lồi hậu môn nhân tạo
+ Phát hiện biến chứng khác: Thoát vị, áp xe quanh hậu môn nhân tạo, hẹp lỗ hậu môn nhân tạo, tắc ruột, hoại tử…
Viêm da quanh hậu môn nhân tạo
Kết luận
Hậu môn nhân tạo là một chỉ định khá phổ biến trong những bệnh lý đại trực tràng, trong đó có thể có hậu môn nhân tạo ở trẻ nhỏ. Việc đặt hậu môn nhân tạo có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cũng như những trở ngại trong sinh hoạt. Vì vậy bệnh nhân cần thực hiện phương pháp này ở những cơ sở y tế uy tín và có phương pháp chăm sóc sau phẫu thuật cũng như tái khám định kì theo hẹn để hạn chế những biến chứng xảy ra…
.